Bạch Thông chủ động trong công tác trồng rừng

Năm 2021, huyện Bạch Thông được giao chỉ tiêu trồng 400ha rừng. Không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã chủ động bỏ vốn trồng rừng được 312ha, đạt 78%. Cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện những diện tích còn lại, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch giao.

Khu đồi phía sau nhà của gia đình ông Trương Trung Ánh, thôn Nà Cà, xã Nguyên Phúc chủ yếu là cây tạp, giá trị kinh tế thấp. Không trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, năm nay ông Ánh quyết định tự bỏ vốn mua cây giống, phân bón để trồng gần 0,5ha cây quế và sưa. Tranh thủ những ngày trời râm mát, ông Ánh huy động nhân lực trong gia đình trồng rừng theo khung thời vụ. Cũng giống như gia đình ông Ánh, nhiều hộ dân khác ở xã Nguyên Phúc năm nay đã tự bỏ vốn trồng rừng, bởi họ đã ý thức được giá trị kinh tế và giá trị môi sinh từ trồng rừng.

Đến nay, huyện Bạch Thông đã trồng được 312ha rừng, đều do người dân tự bỏ vốn trồng.
Huyện Bạch Thông hiện trồng được 312ha rừng, đều do người dân tự bỏ vốn đầu tư.

Thôn Lủng Kén, xã Quân Hà, nhiều năm nay luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao về trồng rừng, với diện tích trồng khoảng 5ha/năm. Năm 2021, mặc dù không còn được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước nhưng người dân Lủng Kén vẫn trồng được 5ha rừng, vượt 15% chỉ tiêu giao. Từ đầu tháng 03, khi thời tiết còn mát mẻ, bà con đã chủ động mua cây giống chuẩn bị cho công tác trồng rừng, đến nay diện tích rừng mới trồng đang phát triển tốt. Trưởng thôn Lủng Kén Lý Văn Thái cho biết: “Để có được kết quả trồng rừng như hiện nay, lãnh đạo thôn đã kiên trì, tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong nhiều năm. Giá trị môi sinh, nhất là về kinh tế mang lại khiến cho nhiều hộ dân trong thôn tích cực trồng rừng. Hiện nay, toàn thôn có khoảng 70ha rừng trồng, riêng gia đình tôi có khoảng 7ha, trong đó 1,2ha trồng trong năm nay”.

Xác định được vai trò của rừng trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân địa phương nên ngay từ đầu năm 2021 chính quyền xã Đôn Phong đã tập trung truyền bà con khẩn trương phát dọn, cuốc hố và lựa chọn cây giống chất lượng, tranh thủ thời tiết có mưa ẩm tiến hành trồng rừng. Ông Cao Thịnh Dâng- Cán bộ Lâm nghiệp xã Đôn Phong cho biết: “Đối với công tác trồng rừng của xã về hiệu quả kinh tế so với các cây khác thì ổn định hơn. Năm 2021, bà con tự bỏ vốn trồng rừng sau khai thác và triển khai trồng cây phân tán theo kế hoạch của huyện được 15ha”.

Đồng chí Hà Ngọc Bảo- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bạch Thông: “Sau khi quy hoạch 03 loại rừng, quỹ đất dành cho trồng rừng mới tại Bạch Thông không còn nhiều, trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ người dân trồng rừng cũng không còn. Vì vậy, để hoàn thành công tác trồng rừng theo kế hoạch, huyện đã đánh giá lại diện tích rừng, đất rừng hiện có, vận động người dân tham gia trồng rừng, khuyến khích trồng cây phân tán, tận dụng những diện tích còn trống để trồng. Đồng thời, làm tốt các khâu xây dựng vườn ươm cây giống, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, đôn đốc. Nhờ vậy tiến độ và kết quả trồng rừng của huyện Bạch Thông đến nay đạt khá. Cụ thể, toàn huyện đã trồng 312ha/400ha được giao, đạt 78%, trong đó trồng rừng phân tán 156ha, trồng mới 3ha, trồng sau khai thác 153ha. Đáng ghi nhận là toàn bộ 312ha rừng đã trồng đều do người dân tự bỏ vốn đầu tư, với chi phí khoảng hơn 10 triệu đồng/ha (bao gồm tiền mua cây giống và tiền công trồng rừng). Điều này cho thấy người dân địa phương đã biết được giá trị kinh tế từ rừng nên chủ động đầu tư trồng rừng mà không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Hạt Kiểm lâm huyện đang tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân trồng hết diện tích còn lại, phấn đấu đến ngày 30/6 thực hiện được 330ha. Đến tháng 8, khi tiết trời mát mẻ, huyện sẽ cấp giống để người dân trồng 100ha cây quế tại các xã Cao Sơn, Vũ Muộn, Sỹ Bình. Như vậy, năm 2021, công tác trồng rừng của Bạch Thông sẽ vượt chỉ tiêu tỉnh giao”./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm