Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và các chương trình an sinh xã hội

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đối với dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội đã trở thành xu thế tất yếu bởi nó mang lại nhiều tiện ích rõ rệt.

Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh khuyến khích khách hàng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt hạn chế tiếp xúc giãn khoảng cách trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh khuyến khích khách hàng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.

Thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1000/QĐ-UBND ngày 19/6/2018 về Kế hoạch triển khai thực hiện, việc TTKDTM giúp tiết kiệm chi phí thời gian, công sức chờ đợi thanh toán, TTKDTM qua ngân hàng đảm bảo quá trình giao dịch nhanh, an toàn, tiện lợi... đã mang lại nhiều tiện ích cho các tổ chức, cá nhân trong đầu tư, tiêu dùng xã hội, góp phần đẩy nhanh tốc độ luân chuyển vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng các dòng vốn. Tạo sự minh bạch trong các hoạt động kinh tế, chống thất thu thuế, hạn chế tình trạng tham nhũng, rửa tiền, tiết kiệm chi phí phát hành tiền mặt.

UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc kịp thời các sở, ban, ngành, Cục Thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công ty Điện lực Bắc Kạn và các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn nhằm đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội qua ngân hàng góp phần xây dựng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công và việc chi trả các chương trình an sinh xã hội.

Từ năm 2018 đến nay, các tổ chức cung cấp dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã tổ chức phối hợp, ký kết hợp đồng với các ngân hàng thương mại trên địa bàn như: Thu hộ, thanh toán các dịch vụ điện, nước, học phí, viễn thông, chi trả bảo hiểm xã hội... Kết quả tổng số thu nộp ngân sách thuế, phí, lệ phí qua ngân hàng thương mại năm 2019 là 600 tỷ 848 triệu đồng; năm 2020 là 744 tỷ 024 triệu đồng…

Đối với Công ty Điện lực Bắc Kạn chủ động chuyển dần việc thu tiền điện tại các quầy thu của Điện lực ở khu vực trung tâm các huyện, thành phố, hợp tác với các ngân hàng thương mại, Bưu điện tỉnh, Viettel Bắc Kạn, các ví điện tử triển khai thanh toán tiền điện qua ngân hàng, các kênh thanh toán điện tử giúp Điện lực giảm bớt chi phí các điểm giao dịch. Tổng số khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản năm 2019 là 43.904 khách hàng, số tiền thu qua các ngân hàng là 140 tỷ 238 triệu đồng; năm 2020 là 68.454 khách hàng, số tiền thu gần 300 tỷ  đồng.

Đối với dịch vụ chi trả an sinh xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện phổ biến, triển khai chủ trương của Chính phủ trong việc thanh toán không dùng tiền mặt, chú trọng tuyên truyền tích cực các phương thức thanh toán về chế độ BHXH, BHYT, BHTN, thai sản… Chi trả các chế độ cho người hưởng qua hệ thống ngân hàng nhanh chóng, kịp thời, hạn chế tập trung đông người trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Năm 2019, chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng cho 10.425 đối tượng với số tiền hơn 500 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn có các dịch vụ thanh toán tiền nước, tiền học phí, viện phí… được triển khai hiệu quả.

Có thể thấy, với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì hoạt động TTTKDTM rất thuận lợi, phát triển mạnh mẽ, với sự tham gia của các tổ chức tín dụng và các trung gian thanh toán. Tỷ lệ người sử dụng TTKDTM đã tăng lên, tuy nhiên chủ yếu tập trung tại khu vực siêu thị, nhà hàng ở thành phố và trung tâm các huyện. Đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số kinh tế vẫn còn khó khăn, ít được tiếp cận với công nghệ và dịch vụ ngân hàng hiện đại, người dân vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán hằng ngày.

Đồng chí Đoàn Thị Hạnh- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn cho biết: Trong thời gian tới, hệ thống ngân hàng Bắc Kạn tập trung thực hiện tốt các giải pháp nhằm triển khai kịp thời cơ chế, chính sách, chỉ đạo, hướng dẫn của Nhà nước, của ngành, của tỉnh liên quan đến phát triển TTKDTM, đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, thu nộp ngân sách Nhà nước, chi trả an sinh xã hội, chi phí sinh hoạt, tiêu dùng của dân cư... Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dịch vụ TTKDTM; tập trung giới thiệu tính năng, tiện ích, hướng dẫn sử dụng dịch vụ, giúp người dân nắm bắt, thuận lợi trong việc sử dụng dịch vụ, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của xã hội đối với phát triển TTKDTM trên địa bàn toàn tỉnh./.

Bích Ngọc

Xem thêm