Khoa giáo:

Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động

Theo đánh giá của ngành chức năng, trong quá trình sản xuất, kinh doanh phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Tuy nhiên, vẫn còn có những doanh nghiệp, đơn vị sản xuất chưa quan tâm đúng mức tới công tác này.

Người lao động tại Công ty TNHH dịch vụ thương mại Hoàng Nam (Chợ Đồn) được trang bị khá đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động.
Người lao động tại Công ty TNHH dịch vụ thương mại Hoàng Nam (Chợ Đồn) được trang bị khá đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động.

Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Đặc biệt, quan tâm đến công tác tự kiểm tra tại doanh nghiệp, công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và chăm lo sức khỏe người lao động.

Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định liên quan. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nghiêm túc thực hiện công tác huấn luyện an toàn lao động.

Bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng thì do nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động nên mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã quan tâm đúng mức cho công tác này. Thường xuyên rà soát, bổ sung, xây dựng nội quy, quy trình làm việc bảo đảm an toàn tại nơi đặt máy, thiết bị, nhà xưởng sản xuất; thực hiện việc tự kiểm tra về công tác an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp; trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động tùy theo từng vị trí làm việc của người lao động; tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo đúng quy định. Các chế độ, chính sách đối với người lao động, như: Khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; tham quan, nghỉ dưỡng; bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... được quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hằng năm vẫn còn có những vụ tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn lao động là do người sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng và thiếu chủ động trong phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; còn có đơn vị vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hạn chế tai nạn lao động, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngày 25/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tiếp tục tuyên truyền, tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động đối với người sử dụng lao động, người lao động và Nhân dân để phòng ngừa tai nạn lao động. Tăng cường thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và thông báo công khai những vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị khởi tố vụ án vi phạm an toàn, vệ sinh lao động gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết người.

Nội dung Chỉ thị số 04/CT-UBND cũng yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện đầy đủ nội quy, quy trình làm việc bảo đảm an toàn của máy móc, thiết bị và nơi làm việc; tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đầy đủ cho các nhóm đối tượng; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; cải thiện điều kiện lao động; kiểm định và khai báo sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, xây dựng và ban hành nội quy và biện pháp phòng cháy, chữa cháy. Các đơn vị, doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về phòng, chống cháy nổ trong quản lý bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; thực hiện công tác tự kiểm tra, kiểm soát, đánh giá nguy cơ, xây dựng biện pháp phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Tăng cường phối hợp với công đoàn cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn người lao động chấp hành pháp luật và nội quy, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm về an toàn, vệ sinh lao động...

Thực tế cho thấy, bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn về an toàn, vệ sinh lao động thì yếu tố hết sức quan trọng là ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất có yêu cầu nghiêm ngặt về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, khai thác vật liệu xây dựng...). Có cơ chế khuyến khích, khen thưởng kịp thời đối với những doanh nghiệp thực hiện tốt và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, người lao động cũng phải nâng cao ý thức, tự giác chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, tích cực tuyên truyền người thân, đồng nghiệp cùng thực hiện tốt.../.

H.V

Xem thêm