Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

Một tiết học ứng dụng công nghệ tại Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Dịch Covid-19 kéo dài tại nhiều địa phương từ đầu năm đến nay đã khiến việc tổ chức tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gặp khó khăn. Để nguồn nhân lực qua đào tạo bổ sung cho thị trường lao động không bị “đứt gãy’’, các cơ sở GDNN đã triển khai nhiều giải pháp tuyển sinh, đào tạo linh hoạt thích ứng tình hình mới...

Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho biết: Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cho nên thời gian qua, việc tư vấn, gửi hồ sơ nhập học đến đóng tiền học phí và nhập học của nhà trường hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. Từ ngày 23/8 đến 27/8, trường tổ chức lớp học online “Tuần giáo dục đầu khóa, đợt 1 - năm học 2021 - 2022” cho các em sinh viên mới hệ cao đẳng khóa 15 và hệ trung cấp khóa 50 và tiếp tục tổ chức các đợt nhập học trong tháng 9. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng hiện tại với hệ cao đẳng, trường đã tuyển sinh được khoảng 60% chỉ tiêu và hệ trung cấp vẫn tiếp tục đang tuyển sinh đến cuối năm.

Tại một số địa phương kiểm soát được dịch bệnh, nhà trường áp dụng tuyển sinh cả trực tuyến và trực tiếp, nhưng thực tế đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai Hoàng Quang Đạt cho biết: Đến giữa tháng 8, trường nhận hồ sơ của 600 học sinh hệ cao đẳng, 1.100 hệ trung cấp, đạt khoảng 70%. Do là tỉnh miền núi, cho nên thường học sinh vào học hệ cao đẳng, trung cấp là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Các em khi đi học nghề đều mong muốn được hỗ trợ học phí và sớm ra trường có việc làm ngay. Tuy nhiên, năm nay qua tiếp xúc, tư vấn tuyển sinh tại các trường, nhiều học sinh cho biết gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch, nên muốn tìm các khu công nghiệp để đi làm giúp đỡ gia đình”.

Theo báo cáo của Tổng cục GDNN (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), qua theo dõi thực tế, cũng như báo cáo của các cơ sở GDNN, từ đầu năm đến nay, hoạt động tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh của các trường vẫn chủ yếu được thực hiện theo hình thức trực tuyến để ứng phó tình hình phải giãn cách xã hội do dịch Covid-19.

Hầu hết các trường đã sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các công cụ truyền thông và mạng xã hội vào công tác tuyên truyền, tư vấn và làm công tác tuyển sinh. Nhiều trường thiết lập công cụ live chat trên website hoặc hệ thống hotline để hỗ trợ người học; xây dựng các ấn phẩm truyền thông số về tư vấn, hướng nghiệp; thông tin về nhà trường và hoạt động đào tạo nghề nghiệp của trường để đăng tải trên các chuyên trang tuyển sinh và các phương tiện thông tin đại chúng...

Vụ trưởng Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN) Vũ Xuân Hùng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, chúng tôi khuyến khích các trường ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận, hướng nghiệp người học và xét tuyển bằng các kênh trực tuyến để khắc phục tình trạng không thể tiếp cận trực tiếp với thí sinh. Các trường nghề cũng có điểm khác biệt là được phép tuyển sinh quanh năm và tổ chức tốt nghiệp thành nhiều đợt, cho nên có thể linh hoạt xây dựng các phương án tuyển sinh mà việc xét tuyển không cần tập trung vào một thời điểm.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp -0

 Học sinh Khoa Cơ khí (Trường cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa) trong giờ thực hành.

Để hỗ trợ hệ thống GDNN, trong năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh, cơ sở GDNN và đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để có thể thích ứng và chuyển đổi nghề nghiệp trong bối cảnh thế giới việc làm đang thay đổi cũng như hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp khó khăn, phải thay đổi cơ cấu, công nghệ sản xuất. Tổng cục GDNN cũng ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ sở GDNN tổ chức các hoạt động; hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động đào tạo theo hình thức trực tuyến.

Tổng cục trưởng GDNN Trương Anh Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận, “chuyển đổi số là tất yếu”. Đại dịch Covid-19 nhìn ở chiều ngược lại đang thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực GDNN. Tuy nhiên, đối với một hệ thống GDNN còn nhiều bất cập, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới thực tại và tương lai việc làm và việc bắt buộc phải chuyển đổi phương thức đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.

Để khắc phục những khó khăn do đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ còn kéo dài, Tổng cục GDNN cũng cho rằng, việc tuyển sinh là vấn đề quan trọng số một cần phải được các địa phương, các trường ưu tiên hơn nữa và quyết liệt thực hiện một số giải pháp: Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và các kênh thông tin trực tuyến; khai thác triệt để ứng dụng “Chọn nghề” trên thiết bị di động, trang thông tin tuyển sinh GDNN (http://tuyensinh.gdnn.gov.vn); trên website của nhà trường.

Thực hiện việc xét tuyển và thông báo kết quả trúng tuyển trên các website của trường hoặc thông qua các thiết bị di động; nhanh chóng số hóa tài liệu tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh theo hướng chuyên nghiệp; xây dựng các cẩm nang nghề nghiệp điện tử ở những ngành nghề mà trường đào tạo để phát hành trên các nền tảng số, thu hút sự chú ý của học sinh. Đối với những địa phương, những vùng ít bị ảnh hưởng dịch bệnh, cần tập trung cao độ cho việc tuyển sinh, thực hiện cả tuyển sinh trực tiếp, kết hợp đẩy mạnh hơn nữa tuyển sinh trực tuyến.

Về tổ chức đào tạo, các cơ sở GDNN tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác các ứng dụng dạy học trực tuyến theo hướng dẫn của Tổng cục GDNN và “Cẩm nang hướng dẫn đào tạo trực tuyến” (http://daotaocq.gdnn.gov.vn/camnangdttt/), đẩy mạnh số hóa, xây dựng bài giảng, tài liệu điện tử để đào tạo trực tuyến... Việc đào tạo trực tuyến được thực hiện qua các công cụ dạy học trực tuyến theo thời gian thực (Microsoft Teams, Zoom, Webex, Google Hangouts Meet,...) hoặc theo hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp LMS (Learning Management System) nhưng việc kiểm tra, thi kết thúc mô-đun, môn học trực tuyến được thực hiện trực tiếp, tập trung tại cơ sở GDNN.

Đối với một số ngành, nghề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hoặc những ngành nghề, môn học, mô-đun có nội dung phù hợp, hiệu trưởng các trường có thể cho phép thực hiện theo hình thức trực tuyến gián tiếp (không tập trung tại trường) nhưng phải bảo đảm đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập của người học, chống gian lận...

Đối với các lớp/khóa học chuẩn bị ra trường, các trường xem xét phương án tổ chức học tập trung tại trường theo mô hình “3 tại chỗ” nhằm bảo đảm tiến độ, kế hoạch đào tạo nhưng vẫn bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh...

Bên cạnh đó, Tổng cục GDNN cũng xác định, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là “cơ hội vàng” cho các cơ sở GDNN vượt qua khó khăn giai đoạn này. Chính sách hỗ trợ sẽ tạo động lực, giúp người lao động nâng cao kỹ năng nghề. Vì vậy, các trường cần chủ động tiếp cận các doanh nghiệp trên địa bàn để triển khai các phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Đến ngày 15/8/2021, có 215 trong số400 trường cao đẳng, 262 trong số463 trường trung cấp và chỉ có 308 trong tổng số gần 2.000 trung tâm có số liệu báo cáo công tác tuyển sinh. Theo đó, trình độ trung cấp, cao đẳng được hơn 75.000 người, đạt khoảng 13% kế hoạch năm 2021, bằng khoảng 83% so cùng kỳ năm 2020; tuyển sinh, đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên cho khoảng 800 nghìn người (đạt 44% kế hoạch năm). Sốngười được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng 60.000 người. So với năm 2020, sốngười được hỗ trợ học nghề giảm mạnh do nguồn ngân sách hỗ trợ không được cấp.

Theo nhandan.vn

Xem thêm