Nâng cao giá trị lúa, gạo từ giống lúa năng suất, chất lượng

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Trung tâm Thực nghiệm Sinh học Nông nghiệp Công nghệ cao khảo nghiệm, tuyển chọn và trình diễn thành công mô hình các giống lúa có năng suất khá, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trình diễn tại huyện Bạch Thông.
Mô hình trình diễn các giống lúa ĐS1, Sơn Lâm 1 tại huyện Bạch Thông.

Tuyển chọn các giống lúa năng suất, chất lượng tốt

Để thực hiện mục tiêu sản xuất lúa chất lượng hàng hóa, đánh giá và chọn lọc được bộ giống lúa thích hợp chất lượng cao, năng suất khá, đưa ra được quy trình kỹ thuật sản xuất mới có sự bao tiêu của doanh nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp Trung tâm Thực nghiệm Sinh học Nông nghiệp Công nghệ cao thực hiện đề tài “Khảo nghiệm tuyển chọn một số giống lúa chất lượng cao, năng suất khá, phù hợp với điều kiện sinh thái tỉnh Bắc Kạn ”. 

Đề tài đã lựa chọn 10 giống lúa chất lượng thuộc 3 nhóm: Lúa thuần (Sơn Lâm 1, Bắc Giang 6, Bắc Giang 1, HT18), lúa lai (Thái Xuyên 111, Hương ưu 98) và lúa Japonica (TBJ3, JO2, ĐS1, T10) đều đã được công nhận chính thức giống cây trồng nông nghiệp mới để khảo nghiệm tuyển chọn; thực hiện trong hai vụ, trong đó mỗi giống thực hiện 1.000m2/vụ. Theo đó, hoạt động khảo nghiệm tuyển chọn 10 giống lúa trong vụ mùa 2017, vụ xuân 2018 tại các xã Dương Phong, Phương Linh (Bạch Thông), Yên Đĩnh (Chợ Mới).

Theo đánh giá, các giống lúa có thời gian sinh trưởng trong vụ mùa dao động từ 101 - 115 ngày, vụ xuân 112 - 125 ngày; phần lớn đều cho tỷ lệ chắc hạt khoảng 90%, trong đó các giống thuộc nhóm Japonica có khối lượng 1.000 hạt cao, ít sâu bệnh hại, phù hợp nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Riêng vụ xuân 2018 tại xã Phương Linh (Bạch Thông), năng suất thực thu của các giống khảo nghiệm đạt từ 65 - 72,8 tạ/ha. Trong đó, các giống Sơn Lâm 1, TBJ3, JO2, ĐS1 có năng suất vượt giống đối chứng từ 5,2 - 11,5%...

Trên cơ sở đánh giá và dựa vào đặc điểm sinh trưởng phát triển, năng suất, chất lượng cũng như thị hiếu của người dân địa phương và khả năng tiêu thụ hàng hóa của các giống khảo nghiệm, đề tài chọn các giống lúa ĐS1, TBJ3, Sơn Lâm 1 và Bắc Giang 1 có năng suất và chất lượng khá. Trong đó ĐS1, Sơn Lâm 1 là 2 giống lúa được đánh giá cao về thích nghi với điều kiện sinh thái của tỉnh, năng suất khá, chất lượng tốt, khả năng bao tiêu tốt. Từ việc đánh giá và tuyển chọn được các giống có phẩm chất tốt, ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương đưa vào xây dựng mô hình trình diễn trong các vụ tiếp theo.

Trình diễn, nhân rộng mô hình và nâng cao giá trị lúa, gạo

Từ khảo nghiệm tuyển chọn, đề tài đã đưa hai giống Sơn Lâm 1, ĐS1 vào xây dựng mô hình trình diễn thử nghiệm sản xuất tại các xã Quảng Chu, Yên Đĩnh (Chợ Mới), Phương Linh, Vi Hương (Bạch Thông) trong vụ mùa 2018 và vụ xuân 2019, với quy mô 40ha. Đồng thời tổ chức tìm đầu mối tiêu thụ cho các hộ tham gia mô hình.

Gạo Japonica- sản phẩm của đề tài tham dự tại Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn tại Hà Nội.

Gạo Japonica được quảng bá tại Tuần lễ giới thiệu

các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn.

Kết quả trình diễn mô hình thử nghiệm sản xuất trong vụ mùa 2018, vụ xuân 2019 tại các huyện Chợ Mới, Bạch Thông cho thấy, hai giống lúa Sơn Lâm 1 và ĐS1 đều sinh trưởng, phát triển tốt, đồng đều, thích nghi với điều kiện canh tác của địa phương và năng suất cao hơn so với các giống đang trồng tại địa phương. Trong 2 vụ đã thu được hơn 243 tấn thóc.

Cụ thể, mô hình trình diễn tại các xã Vi Hương, Phương Linh (Bạch Thông), so với lúa đang trồng đại trà, giống lúa đưa vào sản xuất thử nghiệm có chất lượng tốt hơn, ít nhiễm sâu bệnh, năng suất cao hơn. Trong đó, so với giống Hương thơm Kinh Bắc, giống ĐS1 có hiệu quả kinh tế cao hơn 34%, giống Sơn Lâm 1 cho hiệu quả kinh tế cao hơn 29% so với giống Hương thơm 1. Đặc biệt, giống lúa Japonica (ĐS1) rất phù hợp điều kiện phát triển của địa phương, gạo thơm, cơm ngon, dẻo (chất lượng gạo, cơm được đánh giá thơm ngon hơn so với trồng tại vùng đồng bằng). Đây cũng là lợi thế để sản phẩm gạo Japonica của tỉnh vượt trội hơn.

Từ kết quả thử nghiệm được củng cố, khẳng định trong vụ xuân 2019, các giống lúa tiếp tục được khuyến khích nhân rộng tại các địa phương. Hiệu quả kinh tế bước đầu cũng đã giúp người dân nâng cao nhận thức về sản xuất hàng hóa, hướng tới các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ. Thực tế trong quá trình triển khai, đề tài đã xây dựng mô hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, với sự bao tiêu của Doanh nghiệp tư nhân Nhất Thúy (Ninh Bình) và Hợp tác xã Hoàn Thành (xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn).

Riêng vụ mùa 2018, Doanh nghiệp tư nhân Nhất Thúy thu mua 2,1 tấn thóc Sơn Lâm 1, chế biến được 1,6 tấn gạo cung ứng ra thị trường. Vụ xuân 2019, Hợp tác xã Hoàn Thành thu mua trên 41 tấn thóc ĐS1 tươi, chế biến được 23,5 tấn gạo... Đặc biệt, sau khi sản xuất chế biến, đóng bao bì, Hợp tác xã Hoàn Thành đã đưa sản phẩm gạo Japonica tham dự Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn năm 2019 tại Siêu thị Big C (Hà Nội). Trong 4 ngày diễn ra sự kiện, HTX đã tiêu thụ 1,3 tấn gạo Japonica, giá bán 26.000 đồng/kg.

Tại Bạch Thông, đơn vị bao tiêu đã triển khai thu mua trực tiếp tại ruộng cho nông dân.
Đơn vị bao tiêu thu mua thóc tại ruộng cho nông dân.

Trong những vụ tiếp theo, giống lúa ĐS1 đã được ngành chức năng khuyến cáo đưa vào cơ cấu giống trong vụ xuân; giống lúa Sơn Lâm 1 đưa vào cơ cấu giống vụ xuân, vụ mùa tại các địa phương. Bên cạnh đó, ngành chức năng phối hợp với các địa phương triển khai thử nghiệm các giống lúa chất lượng trên những vùng sinh thái khác nhau của tỉnh để đánh giá tính thích nghi, làm cơ sở để khuyến khích các địa phương khuyến cáo nông dân sản xuất.

Tại huyện Chợ Đồn, qua tuyển chọn, thử nghiệm thành công các giống lúa chất lượng, cùng với ưu điểm vượt trội về tính thích ứng và khả năng chống chịu sâu bệnh, các giống lúa mới Japonica đã được mở rộng canh tác tại địa phương, năng suất đạt trên 60 tạ/ha. Riêng năm 2020, toàn huyện có hơn 800 hộ dân tham gia trồng hơn 200ha. Sản phẩm làm ra được HTX Hoàn Thành thu mua, chế biến, đóng gói cung ứng ra thị trường. Đặc biệt gạo Nhật Japonica của HTX Hoàn Thành cũng đã được huyện Chợ Đồn đánh giá đạt OCOP 3 sao, tiêu thụ thuận lợi trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đối với huyện Bạch Thông, các giống lúa Nhật cũng đã được nhân rộng gần 100ha (năm 2020), năng suất đạt hơn 60 tạ/ha. Theo đánh giá của các hộ dân, trồng các giống lúa Nhật cho thu nhập cao hơn 10 - 12 triệu đồng/ha so với các giống khác, sản phẩm gạo được các doanh nghiệp đến tận nơi thu mua.

Có thể nói, thông qua các đề tài khoa học công nghệ, gắn với tổ chức sản xuất các loại giống lúa năng suất cao, nâng cao giá trị lúa, gạo là việc làm thiết thực. Đặc biệt là bao tiêu sản phẩm thóc, gạo, không chỉ tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ, mà còn tạo động lực cho các hợp tác xã và người dân tích cực mở rộng quy mô sản xuất. Đặc biệt, đối với sản phẩm gạo Japonica, hiện không chỉ được giới thiệu, tiêu thụ tại Hà Nội… mà còn thu hút các doanh nghiệp đến tìm hiểu. Qua đó, góp phần cùng ngành Nông nghiệp và các cấp, ngành nâng cao giá trị lúa, gạo của tỉnh, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu./.

 A.T

Xem thêm