Quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để nâng cao chất lượng giáo dục

Đây là một trong những nội dung Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh khi kết luận Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tuyến.

Tham gia Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Năm học 2021 - 2022, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt theo khung kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng; tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát, kết hợp dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi dịch bệnh diễn biến phức tạp; phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp đối với trẻ em mầm non. Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn của toàn ngành Giáo dục, nhằm hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022 còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể như: Các quy định, hướng dẫn của Bộ triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 còn mang tính ứng phó tạm thời, chưa thực sự chủ động. Nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến, đặc biệt là các tỉnh có vùng dân tộc, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trực tuyến. Do sử dụng phần mềm dạy học miễn phí nên chất lượng không tốt, đường truyền internet có nhiều nơi, nhiều lúc không ổn định, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học...

Trên cơ sở những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong năm học trước, ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2022 - 2023 là: "Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo".

Ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành Giáo dục đã nỗ lực đạt được trong năm học 2021-2022. Trên cơ sở chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong năm học vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong năm học tới, ngành Giáo dục cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Phát triển giáo dục toàn diện, theo hướng phát triển đức, trí, thể, mỹ cho người học. Quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để nâng cao chất lượng giáo dục. Rà soát, chủ động đề xuất cơ chế để học sinh học tập được thuận lợi. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp nghiên cứu, đề xuất tạo điều kiện cho học sinh vùng dân tộc ít người nâng cao chất lượng học tập. Các tỉnh rà soát các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra cho điểm; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục./.

X.N

Xem thêm