Sách giáo khoa tăng giá, phụ huynh lo lắng

Dù 3 tháng nữa mới bước vào năm học 2022-2023, nhưng ngay từ lúc này nhiều phụ huynh đã cảm thấy lo lắng khi nhiều mặt hàng trong lĩnh vực giáo dục, nhất là sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới tăng giá, dự báo một năm học mới nhiều khó khăn đối với các gia đình có con em trong độ tuổi đến trường.

Phụ huynh học sinh phải cắt giảm chi tiêu để mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho con em đầu năm học mới.
Phụ huynh học sinh phải cắt giảm chi tiêu để mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho con em trong năm học mới.

Theo lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông, năm học này cả nước sẽ áp dụng bộ sách giáo khoa mới đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Từ cuối tháng 4, UBND tỉnh đã phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn từ năm học 2022-2023. Theo đó, bộ sách giáo khoa lớp 3 có 12 cuốn; lớp 7 có 13 cuốn và lớp 10 có 26 cuốn. Tuy nhiên, danh mục sách giáo khoa mà tỉnh phê duyệt chỉ gồm các sách chính, chưa có sách bổ trợ hay còn gọi là sách bài tập, bộ đồ dùng thực hành môn Toán, Kỹ thuật, may thêu và các loại sách tham khảo khác. Nếu học sinh chỉ mua các sách chính theo danh mục đã được UBND tỉnh phê duyệt thì số tiền bỏ ra không nhiều, chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng/bộ sách. Trên thực tế, học sinh sẽ mua thêm sách bài tập các môn như: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Hoạt động trải nghiệm… và bộ đồ thực hành môn học. Mặc dù đây là những loại sách và đồ dùng học tập không bắt buộc nhưng hầu hết học sinh đều sử dụng trong quá trình học tập ở các nhà trường nên đa số phụ huynh đều cố gắng mua đầy đủ cho con. Điều đó khiến tổng chi phí mỗi bộ sách đầy đủ thường cao hơn nhiều so với bộ sách chỉ có các loại sách giáo khoa chính.

Ông La Văn Thái- Trưởng phòng Kinh doanh Công ty cổ phần Sách - Thiết bị trường học Bắc Kạn thông tin: Giá sách giáo khoa chương trình mới nhìn chung tăng hơn so với các bộ sách hiện hành. Cụ thể: Bộ sách giáo khoa lớp 3 chương trình hiện hành (đã bao gồm sách Tiếng Anh, sách bổ trợ) là 322.000 đồng; nhưng sách chương trình mới có giá 461.000 đồng, tăng 139.000 đồng/bộ. Sách lớp 7 chương trình hiện hành có giá 463.000 đồng, còn bộ sách mới có giá 529.000 đồng, tăng 66.000 đồng/bộ. Bộ sách giáo khoa lớp 10 chương trình hiện hành có giá 480.000 đồng, chương trình mới có giá 665.000 đồng, tăng 185.000 đồng/bộ. Toàn bộ sách chương trình mới đều có những thay đổi so với sách giáo khoa hiện hành như: Khổ in to hơn, chất lượng giấy tốt hơn, in màu đẹp hơn.

Trên cơ sở đăng ký nhu cầu sách giáo khoa của các trường học, đến thời điểm đầu tháng 6, Công ty đã phát hành được khoảng 60% số sách đã thay từ năm học trước và sách chưa thay. Riêng sách lớp 3, lớp 7, lớp 10 sẽ phát hành sau, Công ty cam kết sẽ cố gắng đảm bảo cung ứng đầy đủ trước khi bước vào năm học mới. Nguyên nhân bởi các trường còn dao động về số lượng sách đăng ký, nhất là sách lớp 10 (do có các lựa chọn tổ hợp môn học đối với từng học sinh).

Chị Nhung ở phường Đức Xuân có con đang học lớp 2 cho biết: Đầu năm học mới, nhà trường thường có thông báo số lượng đầu sách giáo khoa cho phụ huynh học sinh biết để mua, nhưng trên thực tế thông báo đó chỉ gồm các sách chính. Khi ra hiệu sách, hỏi mua bộ sách cho con, hầu hết đều được đóng sẵn cả bộ đầy đủ gồm sách chính, sách bổ trợ và bộ thực hành các môn học…Chị đắn đo, mua hết thì phải bỏ ra trên 500.000 đồng, mà chọn một số sách chính thì lại sợ thiếu, nên đành tiết kiệm dành tiền mua cho con cả bộ đầy đủ. Đắt đỏ là vậy, nhưng chị thấy vô cùng lãng phí bởi có những cuốn sách mua cho đủ bộ chứ sử dụng không nhiều, nhất là sách bài tập đạo đức, tự nhiên và xã hội, hoạt động trải nghiệm… Con chị ngày học 02 buổi tại lớp, mỗi sáng tới trường cặp sách chật cứng, nặng trĩu vai do mang đủ các loại sách. Chưa kể bộ đồ dùng học các môn Toán, Kỹ thuật bình thường các con để tại lớp, đến cuối năm học sẽ mang về hầu như vẫn còn mới, hỏi ra mới biết trên lớp chỉ sử dụng vài lần mặc dù giá mỗi bộ này không hề rẻ, trên 70.000 đồng/bộ.

Với giá mỗi bộ sách giáo khoa ở mức cao như vậy, cộng với rất nhiều khoản chi khác trong đầu năm học mới là bài toán đối với hầu hết gia đình có con đang theo học các trường phổ thông, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn toàn xã hội vừa trải qua một thời gian dài đối phó với dịch bệnh Covid-19.

Vấn đề đặt ra ở đây, sách giáo khoa hay sách bài tập, bổ trợ, bộ đồ dùng, thiết bị thực hành đều có giá trị trong quá trình học tập của học sinh. Tuy nhiên, để tránh lãng phí cũng như làm thế nào để học sinh sử dụng hiệu quả các sách, thiết bị cho người học cần phải được tổ chức, sắp xếp khoa học, hợp lý trong chương trình giảng dạy của nhà trường, giáo viên.

Sách giáo khoa tăng giá đang là vấn đề “nóng” được sự quan tâm của toàn xã hội. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đã đưa ra thảo bàn thảo, chất vấn người đứng đầu các Bộ, ngành có trách nhiệm, để tìm ra giải pháp phù hợp. Trước sự tăng giá của sách giáo khoa như hiện nay, đa số người dân mong muốn có sự điều chỉnh cũng như chính sách hỗ trợ giá đối với mặt hàng đặc biệt này./.

Phương Thảo

Xem thêm