Gỡ khó trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Cùng với giáo dục cả nước, Chương trình GDPT 2018 bắt đầu thực hiện tại Bắc Kạn từ năm học 2020-2021 với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2, lớp 6.  Theo kế hoạch, năm học 2022-2023 tiếp tục thực hiện đối với các lớp 3, 7 và 10. Sau 2 năm triển khai chương trình, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có một số khó khăn, vướng mắc đang được tập trung tháo gỡ.

Phòng Tin học của Trường Tiểu học Sông Cầu (tp Bắc Kạn)
Phòng Tin học của Trường Tiểu học Sông Cầu (TP. Bắc Kạn).

Việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình đối với lớp 3, 7 và 10 sẽ bắt đầu tiến hành vào đầu năm học 2022-2023. Điểm mới là đối với cấp tiểu học, bắt đầu từ lớp 3 môn Tiếng Anh và Tin học là môn học bắt buộc. Lớp 10, bên cạnh 7 môn học bắt buộc, học sinh được quyền lựa chọn 5 môn khác từ ba nhóm môn, trong đó có nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật. Nhóm môn này bao gồm các môn Công nghệ, Tin học; Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật, trong đó môn Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật lần đầu tiên đưa vào chương trình học ở bậc THPT.

Hiện toàn tỉnh có 31.110 học sinh cấp tiểu học, riêng lớp 3 là 6.027 học sinh. Với việc đưa vào các môn học mới trong chương trình năm học này Sở GD&ĐT xác định nhu cầu cần đầu tư mới là 91 phòng học ngoại ngữ và các trang thiết bị dạy học theo lựa chọn; 104 phòng học tin học và các trang thiết bị theo quy định; 130 máy chủ; 2.100 máy tính và các thiết bị phụ trợ khác… Tổng kinh phí nhu cầu mua sắm trang thiết bị dạy môn Tin học và Ngoại ngữ trên 37 tỷ đồng.

Hiện toàn tỉnh còn thiếu 54 giáo viên môn Tiếng Anh; 78 giáo viên môn Tin học. Thực tế trong nhiều năm nay, Bắc Kạn rất khó tuyển dụng giáo viên Tin học, Ngoại ngữ, nguyên nhân do thiếu nguồn tuyển, không có người tham gia tuyển dụng nhất là môn Tiếng Anh. Năm 2021, các địa phương tuyển được 91/134 chỉ tiêu giáo viên các môn, trong đó môn Tiếng Anh 11/30 chỉ tiêu; Tin học 9/25 chỉ tiêu. Giải pháp ngành đưa ra sẽ rà soát, tổng hợp đăng ký nhu cầu đào tạo văn bằng hai chuyên ngành Tiếng Anh, Tin học đối với các giáo viên có nguyện vọng giảng dạy môn Tiếng Anh, Tin học tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh. Nhu cầu đào tạo liên thông lên đại học đối với những giáo viên đã tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp chuyên ngành Tin học, Tiếng Anh.

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ bố trí dạy liên trường đối với các trường không đủ giáo viên dạy 2 môn Tiếng Anh và Tin học, cử giáo viên THCS đến dạy cấp tiểu học hoặc bố trí giáo viên đã được tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ tin học để dạy môn Tin học. Cùng với đó ngành sẽ sắp xếp lại mạng lưới trường lớp đưa học sinh về học trường chính hoặc điểm trường trung tâm, đặc biệt là học sinh lớp 3, 4, 5; thực hiện sáp nhập các trường liên cấp để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị.

Việc bố trí giáo viên dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT (lớp 10), Sở GD&ĐT đã thống kê giáo viên cấp THCS có trình độ đại học chuyên ngành Âm nhạc, Mỹ thuật để có cơ sở tham mưu, đề nghị UBND các huyện, thành phố hỗ trợ giáo viên tham gia giảng dạy tại các trường THPT khi có học sinh lựa chọn các môn này.

Cô giáo Đào Thị Phương- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Cầu (TP. Bắc Kạn) cho biết: Năm học 2022-2023 trường có trên 175 học sinh lớp 3. Hiện nhà trường có phòng Tin học với khoảng 20 máy tính. Tuy nhiên, những thiết bị này đã được đầu tư cách đây 10 năm, cấu hình thấp không đáp ứng được yêu cầu dạy học. Mỗi khi nhà trường tổ chức các cuộc thi trên máy tính đa số phải huy động thiết bị từ gia đình học sinh nên rất khó khăn. Nhu cầu của nhà trường cần có 35 máy tính để phục vụ giảng dạy. Trường chưa có giáo viên môn Tin học, môn Tiếng Anh.

Vừa qua, ngày 17/3, lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với Sở GD&ĐT, các vấn đề khó khăn trong công tác triển khai Chương trình GDPT 2018 cơ bản được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan tiếp nhận, bàn biện pháp tháo gỡ. Đối với vấn đề bố trí kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy môn Tiếng Anh, Tin học, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng chỉ đạo các ngành Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư khẩn trương xem xét, bố trí nguồn đảm bảo đúng quy định, mua sắm cần phải công khai minh bạch...Vấn đề biên chế giáo viên, Sở Nội vụ thông tin sẽ bố trí biên chế cho ngành Giáo dục, trước mắt Sở cần tiến hành rà soát, bố trí sắp xếp, điều chỉnh, có kế hoạch tuyển dụng sát với thực tế, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu...

Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực học sinh. Nội hàm chuyển đổi sâu sắc, toàn diện cách tiếp cận, định hướng và triết lý giáo dục. Yêu cầu đổi mới diễn ra với tốc độ rất nhanh, phạm vi rộng trong bối cảnh nguồn lực tài chính, con người khó khăn, thiếu thốn, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, lại càng khó khăn hơn đối với một tỉnh miền núi như Bắc Kạn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, sự vào cuộc, đồng thuận của toàn xã hội, ngành Giáo dục Bắc Kạn sẽ vượt qua khó khăn, thành công trong cuộc thử nghiệm quy mô lớn này./.

Phương Thảo

Xem thêm