Dựng lều học trực tuyến ở vùng cao Đổng Xá

Không có thiết bị công nghệ cao, đường truyền internet kém, sóng điện thoại chập chờn, giao thông không thuận tiện… là những rào cản khiến việc học trực tuyến của học sinh ở các thôn, bản vùng cao ở xã Đổng Xá (Na Rì) gặp muôn vàn khó khăn.

Lũng Tao là điểm đến đầu tiên của chúng tôi khi đến Đổng Xá tìm hiểu về việc học của học sinh vùng cao. Đường từ trung tâm xã đến thôn dài chừng 5km mới chỉ bê tông được một đoạn ngắn, còn lại là đường rừng quanh co rất khó đi. Mất tầm 30 phút đi xe máy, chúng tôi mới đến được trung tâm thôn.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn đơn sơ, anh Đặng Văn Khánh- Trưởng thôn Lũng Tao cho biết: Lũng Tao là nơi sinh sống của 26 hộ dân tộc Dao, chia thành 2 xóm, cách nhau khoảng 2km. Thôn chưa có đường giao thông kiên cố, chưa có điện lưới quốc gia, thiếu đất sản xuất…, cuộc sống bà con bấy lâu vẫn quẩn quanh trong cái nghèo với 23/26 hộ là hộ nghèo. Từ khi học sinh nghỉ học, nhiều gia đình càng vất vả hơn vì phải chắt chiu từng đồng sắm điện thoại thông minh cho con em học trực tuyến. Thôn có 15 học sinh đang theo học ở 3 cấp, trong đó có 3 em không có điện thoại để học.

Không có điện thoại học trực tuyến, phần lớn thời gian em Đặng Văn Đức phụ giúp gia đình việc nhà.

Không có điện thoại học trực tuyến, phần lớn thời gian em Đặng Văn Đức phụ giúp gia đình việc nhà.

Dẫn chúng tôi đến nhà em Đặng Văn Đức, Trưởng thôn Đặng Văn Khánh thông tin, gia đình Đức thuộc diện đặc biệt khó khăn, bố mẹ không biết chữ, không thành thạo tiếng phổ thông. Là người duy nhất được đi học, nhưng từ khi trường chuyển sang dạy học trực tuyến, Đức tạm thời không thể theo học vì gia đình không đủ điều kiện mua điện thoại thông minh.

Căn nhà Đức sống chỉ có vài vật dụng sinh hoạt, sào quần áo treo ngổn ngang, nhưng bàn học, sách vở được xếp gọn gàng. Có lẽ đó là nơi em rất trân trọng. Đức cho biết: “Hiện tại gia đình em rất khó khăn, nhà thiếu gạo. Bố mẹ phải lên rừng tìm măng bán mua gạo ăn. Từ khi nghỉ học trên lớp, tuy không có điện thoại để học theo các bạn nhưng mỗi ngày em đều tự làm bài tập do cô giáo gửi đến và phụ giúp bố mẹ việc nhà. Trong thôn chỉ có em học lớp 5 nên không thể học nhờ bạn nào… Em mơ ước có một chiếc điện thoại học như các bạn. Học là cơ hội để sau này em giúp gia đình thoát nghèo”. Một chiếc điện thoại thông minh, hay những thiết bị công nghệ cao không xa lạ đối với nhiều trẻ em thành thị trong thời đại 4.0 hiện nay, nhưng lại là điều quá xa vời đối với cậu bé này.

Em Đặng Ngọc Duyên thường ngồi ngoài hiên học để bắt wifi tốt hơn.

Em Đặng Ngọc Duyên thường ngồi ngoài hiên học để bắt wifi tốt hơn.

Đặng Ngọc Duyên thì may mắn hơn, em được bố mẹ mua cho điện thoại và bộ phát wifi để phục vụ việc học. Tuy nhiên, ở nơi vùng sâu vùng xa này, học trực tuyến quả là không dễ dàng gì. Để điện thoại và wifi đủ pin cho một buổi học trực tuyến, mỗi tối Duyên phải sạc điện thoại đầy pin, nếu điện yếu phải chạy khắp xóm sạc nhờ. Vị trí học cũng phải chọn chỗ bắt sóng tốt thì mới vào mạng được. “Ngày nào em cũng ra hiên nhà ngồi học, vì bộ phát wifi treo ở ngoài hiên để bắt sóng, ngồi gần mới vào được mạng. Cũng có lúc sóng yếu, điện thoại tự thoát ra ngoài màn hình là phải vào lại từ đầu, nếu ngắt quãng lâu thì nhờ cô giáo giảng lại. Em mong dịch Covid-19 sớm qua đi để được đến trường học. Đến đó được ngồi trên lớp nghe cô giáo giảng sẽ hiểu bài hơn và còn được đá bóng cùng bạn bè”, Duyên tâm sự.

Rời thôn Lũng Tao, chúng tôi đến với xóm Lũng Hản của thôn Nà Cà. Xóm nằm sâu trong núi, cách trung tâm thôn hơn 7km. Đường vào xóm nhiều đoạn dốc đứng, rất lầy lội và trơn trượt, vất vả hơn thôn Lũng Tao nhiều lần. Ông Lô Văn Chắn, người dân trong xóm cho biết: Đường đi lại khó khăn, không có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại kém, nhiều con em trong xóm phải đi ở nhờ nhà họ hàng cách hàng chục cây số để học, còn ở xóm có cháu dựng lán trên đồi để bắt sóng học trực tuyến.

Chiếc lán được dựng trên đồi để em Lô Thị Mỹ Hạnh ở xóm Lũng Hản học trực tuyến.

Chiếc lán được dựng trên đồi để em Lô Thị Mỹ Hạnh ở xóm Lũng Hản học trực tuyến.

Em Lô Thị Mỹ Hạnh là một trong những trường hợp như thế. Hạnh học lớp 6, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Đổng Xá, trước đây học trực tiếp em ở tại ký túc nhà trường. Từ khi nghỉ học, Hạnh trở về nhà ở xóm Lũng Hản. Nhà em ở khu vực sóng điện thoại yếu nên không thể dùng 3G để học trực tuyến. Điểm có sóng nằm giữa đồi núi, gió mưa bất chợt. Thương con, vợ chồng chị Hoàng Thị Hương đã mất nửa ngày dựng lán trên đồi cách nhà chừng 300m để Hạnh yên tâm học.

Chị Hương bộc bạch: Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà trường cho học sinh nghỉ về học trực tuyến. Điều này giúp phụ huynh yên tâm hơn về sức khỏe của con em, nhưng cũng rất lo ngại về kết quả học tập, vì điều kiện học trực tuyến ở vùng cao không thuận lợi.

Xã Đổng Xá có tổng số 390 học sinh cấp 1, 2, trong đó có 52 em ở các thôn Lũng Tao, Khuổi Nà, Khuổi Cáy, Nà Cà, Chợ Chùa không có điện thoại học trực tuyến. Theo lãnh đạo các nhà trường, để học sinh nắm bắt được kiến thức, các trường vận động các em chung lớp học cùng nhau, đối với những em không có bạn học nhờ thì giáo viên gửi giáo trình soạn sẵn từ trước và bài tập đến nhà từng em… Đây cũng là những giải pháp chung của các trường học đang tổ chức học trực tuyến trên địa bàn huyện Na Rì.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó nhiều trường học trong cả nước chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Riêng huyện Na Rì có 40/42 trường tổ chức dạy học trực tuyến. Với những gia đình có thể sắm đủ thiết bị cho con em học trực tuyến thì không phải là vấn đề gì lớn. Nhưng đối với các hộ nghèo sống ở vùng sâu vùng xa, nơi mà điều kiện tự nhiên lẫn kinh tế gia đình còn rất khó khăn thì quả là đáng ngại. Lúc này, đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội để con em các hộ nghèo vùng cao có điều kiện học tập tốt hơn./.

Đồng Lai

Xem thêm