Giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho học sinh

Nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho học sinh, các trường học trên địa bàn huyện Ngân Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, tri ân, thăm hỏi tại các “địa chỉ đỏ”.

Học sinh Trường Tiểu học Vân Tùng dọn dẹp vệ sinh Nghĩa trang Liệt sĩ huyện nhân dịp Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Học sinh Trường Tiểu học Vân Tùng dọn dẹp vệ sinh Nghĩa trang Liệt sĩ huyện nhân dịp Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12), cô trò Trường Tiểu học Vân Tùng đã có nhiều hoạt động giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” như: Ngoại khóa với chủ đề “Tiếp nối truyền thống Quân đội nhân dân anh hùng”; dâng hương, kết nạp đội viên và vệ sinh tại Nghĩa trang Liệt sĩ của huyện; thăm hỏi người có công với cách mạng… Qua đó giúp học sinh ôn lại truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, hiểu rõ hơn về những chiến sĩ anh hùng, những chiến công hiển hách của lực lượng vũ trang nhân dân, trân trọng những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước. Đồng thời rèn luyện cho học sinh tinh thần đoàn kết, sẻ chia, tăng vốn hiểu biết và kỹ năng trong cuộc sống.

Tham gia hoạt động dâng hương, kết nạp đội tại “địa chỉ đỏ” (Nghĩa trang Liệt sĩ huyện), em Đinh Mai Anh, lớp 4A1 cho biết: Hôm nay, em rất vui khi được tham gia hoạt động kết nạp đội tại “địa chỉ đỏ”. Tại đây chúng em không chỉ thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ, dọn dẹp vệ sinh mà còn được cô giáo ôn lại lịch sử, giáo dục truyền thống... Em sẽ cố gắng học giỏi, nghe lời bố mẹ, thầy cô giáo để trở thành người có ích cho xã hội.

Cô giáo Đinh Ngọc Yến- Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Vân Tùng chia sẻ: Để giúp học sinh hiểu đúng và tự hào về truyền thống quý báu của dân tộc, nhà trường luôn chú trọng giáo dục về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” bằng nhiều hình thức, hoạt động phong phú như: Tổ chức ngoại khóa tại các “địa chỉ đỏ”, thăm hỏi, động viên gia đình người có công, thương binh… Từ đó, giúp các em thể hiện lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh anh dũng cho độc lập tự do của Tổ quốc, đây cũng là cách giáo dục học sinh biết học tập, vươn lên trong cuộc sống, hình thành suy nghĩ sống có trách nhiệm với xã hội.

Huyện Ngân Sơn có 8 di tích lịch sử với 3 di tích lịch sử cấp quốc gia, 5 di tích lịch sử cấp tỉnh. Trong đó, có nhiều điểm di tích lịch sử ý nghĩa, là “địa chỉ đỏ” để học sinh đến tri ân, tìm hiểu như: Di tích Coỏng Tát, Bản Duồm (xã Thượng Ân)- nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn; di tích Bác Hồ dừng chân tại thôn Hoàng Phài (xã Cốc Đán); di tích chiến thắng Đèo Giàng (xã Hiệp Lực); di tích thôn Đông Chót (xã Bằng Vân)... Các trường học trên địa bàn huyện thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh đến các “địa chỉ đỏ” hay dọn dẹp vệ sinh tại khu nghĩa trang của địa phương, thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ gia đình người có công, thương binh bằng các việc làm phù hợp với lứa tuổi. Qua đó giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh, giúp các em hiểu rõ hơn về những chặng đường lịch sử của dân tộc, trân trọng và tự hào về lịch sử, truyền thống vẻ vang của dân tộc./.

Hà Nhung

Xem thêm