Kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa mới ở Pác Nặm

Năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT tạo huyện Pác Nặm đã triển khai sách giáo khoa mới (SGK) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD&ĐT, thu được một số kết quả tích cực.

Công nghệ thông tin được áp dụng trong các bài giảng ở các lớp học tại trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nhạn Môn.
Công nghệ thông tin được áp dụng trong các bài giảng ở các lớp học tại trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nhạn Môn.

Ngày 29/4/2021, UBND tỉnh đã có Quyết định số 573/QĐ-UBND về phê duyệt Danh mục SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn từ năm học 2021 - 2022. Danh mục lớp 1 gồm 11 SGK; lớp 2 gồm 12 SGK; lớp 6 gồm 13 SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Theo đánh giá của thầy cô giáo trực tiếp lên lớp cho thấy, chất lượng học tập của học sinh thay đổi tích cực, nhất là ở môn Tiếng Việt, kỹ năng đọc, viết của học sinh được vững vàng hơn; việc tính toán của học sinh cũng chắc chắn hơn.

Thầy giáo Lê Nguyên Ái- Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nhạn Môn cho biết: Ngay sau khi thực hiện đổi mới chương trình SGK nhà trường đã cử cán bộ, giáo viên tập huấn và áp dụng thực hiện theo quy định hướng dẫn, đồng thời chủ động, linh hoạt trong công tác giảng dạy, khắc phục khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng theo chương trình đổi mới SGK. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay vẫn là tài liệu hướng dẫn chương trình mới, đồ dùng dạy học, đặc biệt đối với các giáo viên đang dạy ở các lớp ghép hai trình độ.

Cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư khang trang đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư khang trang đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nhạn Môn có 28 cán bộ, giáo viên. Trong đó, bậc Tiểu học có 18 cán bộ, giáo viên; bậc THCS có 10 cán bộ, giáo viên. Tổng số học sinh của nhà trường trong năm học này là 385 em, trong đó có 176 học sinh bán trú. Đến nay cơ sở vật chất của nhà trường đã được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học, mặc dù vậy để đáp ứng theo yêu cầu của đổi mới giáo dục nói chung và chương trình SGK mới nhà trường vẫn còn thiếu 04 phòng học bộ môn và giáo viên để dạy 02 buổi/ngày tại các điểm trường. Để khắc phục những khó khăn trên, nhà trường đã vận dụng tối đa cơ sở vật chất, đồ dùng giảng dạy được trang cấp để thực hiện, đồng thời huy động giáo viên và các bậc phụ huynh tham gia làm đồ dùng giảng dạy…

Thầy giáo Lê Nguyên Ái cho biết thêm: Chương trình SGK mới có ưu điểm thực tế là giúp học sinh chủ động, tích cực học tập, tự nắm bắt kiến thức, từ đó ghi nhớ bài học tốt hơn. Các hoạt động giáo dục cũng giúp học sinh được phát triển năng lực, phẩm chất của bản thân, biết liên hệ và vận dụng kiến thức học được vào thực tế cuộc sống. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên của nhà trường cũng tự tiếp cận và nâng cao trình độ công nghệ thông tin (CNTT) để đáp ứng yêu cầu chuyên môn của chương trình mới.

Hiện nay, ngành GD&ĐT huyện Pác Nặm có 20 trường học thuộc hai bậc học Tiểu học và THCS. Trong đó bậc Tiểu học có 09 trường (03 trường liên cấp); THCS có 08 trường (01 trường nội trú THCS). Quá trình thực hiện đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông, ngành Giáo dục huyện đã tổ chức rà soát, đánh giá và cử cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn đồng thời tham mưu với UBND huyện, ngành giáo dục để từng bước đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng giảng dạy. Trong năm học này, Phòng GD&ĐT huyện đã cấp kinh phí hơn 480 triệu đồng để mua trang thiết bị dạy học tối thiểu đối với lớp 2 trên địa bàn huyện; tiếp tục sử dụng máy chiếu và đầu tư mua sắm tivi màn hình lớn để phục vụ giảng dạy tại các trường…

Đồng chí Bào Viết Văn- Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Ngay trong đầu năm học mới, huyện đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác quản lý giáo dục và dạy học tại tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn, từ đó đánh giá chất lượng dạy và học cũng như ghi nhận những khó khăn trong công tác giáo dục của các địa phương hiện nay. Việc triển khai SGK mới được thực hiện theo danh mục đã được phê duyệt.

Có thể thấy, từ khi triển khai SGK giáo dục phổ thông mới ở các bậc học, nhờ sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên và những điểm mới của chương trình đã giúp tăng khả năng tiếp thu của học sinh. Trong quá trình thực hiện, huyện sẽ tổ chức rút kinh nghiệm và tiếp tục đổi mới, sáng tạo phù hợp với thực tiễn để chất lượng công tác giáo dục của địa phương ngày càng được nâng cao một cách toàn diện./.

Nguyễn Nghĩa

Xem thêm