Dạy học ở điểm trường vùng cao Nà Lồm

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, các thầy cô ở điểm trường vùng cao Nà Lồm vẫn miệt mài “gieo chữ” trên non cao.

Lớp học ghép 02 trình độ do thầy giáo Đặng Văn Khởi đứng lớp.
Lớp học ghép 02 trình độ do thầy giáo Đặng Văn Khởi đứng lớp.

Nằm ven sườn đồi, Điểm trường Nà Lồm là nơi ươm mầm xanh cho nhiều lớp học trò ở thôn Nà Lồm và Lủng Lầu, xã Đôn Phong (Bạch Thông). Biết bao thầy, cô giáo đã lặng thầm “đưa đò” chở ước mơ của học sinh nghèo đi xa. Cách trung tâm xã 12km, trước đây để lên được Điểm trường Nà Lồm, nhất là vào mùa mưa là thử thách không nhỏ đối với các thầy cô giáo. Được sự quan tâm của Nhà nước, con đường dốc đứng, nhiều cua gấp ngày nào đã được bê tông hóa, giảm bớt khó khăn cho người dân và cô trò nơi đây. Điểm trường Nà Lồm có 04 lớp học, trong đó có 01 lớp ghép trình độ lớp 3 và lớp 4, với 46 học sinh. Dù là những giáo viên từ địa phương khác lên dạy, nhưng với tấm lòng của mình, 5 thầy, cô giáo ở Điểm trường Nà Lồm đã mang hết tâm sức, trí tuệ để truyền dạy cho học sinh. 100% hộ dân ở thôn Nà Lồm và Lủng Lầu là đồng bào dân tộc Dao, trong đó đa số là hộ nghèo. Mặc dù đã được Nhà nước quan tâm kiên cố hóa lớp học nhưng cuộc sống, điều kiện của thầy cô giáo và học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn.

Cô giáo Đinh Thị Thanh Tâm chia sẻ: “Ngày đầu khi mới tiếp nhận lớp, dù cô trò chưa giao tiếp được nhiều nhưng nhìn những đôi mắt tròn, thơ ngây, tôi đã dành trọn tình cảm của mình cho các em. Đây chính là nguồn động lực to lớn giúp tôi và các đồng nghiệp vượt qua mọi khó khăn, gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao. Ở Nà Lồm dù có điện nhưng không có sóng điện thoại, chỉ có 01 máy chiếu dành cho học sinh lớp 1 nên việc dạy sách giáo khoa mới, chương trình mới cho học sinh lớp 2 gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục, tôi mang máy tính cá nhân cho các em xem bài hoặc phô tô tranh ảnh giúp học sinh tiếp thu bài học trực quan hơn”.

Nhiều năm nay, thầy Đặng Văn Khởi luôn gắn bó với các phân trường vùng cao như Nặm Tốc, Bản Chiêng và năm học này được nhà trường phân công về Điểm trường Nà Lồm. Phụ trách lớp ghép 02 trình độ (lớp 3 và 4), thầy Khởi cảm thấy đây là vinh dự nhưng cũng đầy thử thách. Lớp có 9 học sinh lớp 3 và 7 học sinh lớp 4 ngồi quay lưng với nhau, dù có 2 bục giảng nhưng chỉ có một thầy đứng lớp. Cho các em lớp 4 đọc khổ thơ, thầy Khởi lại nhanh chóng qua bục giảng bên kia giao bài tập Toán cho các em lớp 3 rồi quay lại. Như đã quen với hiệu lệnh của thầy nên lời giảng ở bên nào thì bên ấy thực hiện, các em không nhầm lẫn. Thầy Khởi bảo: “Bàn ghế của giáo viên có bao giờ dùng đến đâu vì mình di chuyển liên tục qua hai đầu lớp học. Đôi khi thấy mệt nhưng vẫn vui vì thấy các em tiến bộ từng ngày”.

Bữa cơm trưa đạm bạc tự mang đến lớp của học sinh Điểm trường Nà Lồm.
Bữa cơm trưa đạm bạc tự mang đến lớp của học sinh Điểm trường Nà Lồm.

Ngoại trừ một số em nhà gần trường, còn lại các em vẫn phải đi bộ vài cây số đến lớp. Riêng các em học sinh từ Lủng Lầu xuống vì quãng đường xa nên thường được người thân sáng chở đi, chiều đón về. Những hôm trời mưa đường trơn hoặc ngày mùa bận rộn các em phải dạy từ mờ sáng để tự đi bộ đến lớp. Không có chế độ ăn bán trú, đa số nhà nghèo nên bữa cơm bố mẹ chuẩn bị cho các em mang theo chỉ là cơm trắng với muối vừng hoặc quả trứng kho mặn. Thậm chí vì người thân hôm trước quên đi chợ có em chỉ mang cơm đến trường rồi nhờ thầy cô giáo pha gói mì tôm lấy nước chan canh. Cơm mang đi từ sáng đến trưa bỏ ra ăn thì đã nguội ngắt, rời rạc nhưng các em vẫn cố ăn hết vì sợ đói. Gian nan, khổ cực là thế nhưng ít khi học sinh ở Điểm trường Nà Lồm bỏ học, vì các em biết con đường đến tương lai là con đường học "cái chữ" của thầy cô.

Em Triệu Thị Lệ Sen, lớp 5 Điểm trường Nà Lồm bày tỏ: “Dù khó khăn đến đâu em vẫn luôn cố gắng học tập để sau này cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Em rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ các cấp, ngành để việc học ở những phân trường vùng cao như Nà Lồm chúng em đỡ vất vả”./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm