Tổng kết 1 năm triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT

Sáng 20/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết một năm triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đồng chí Nguyễn Kim Sơn- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội  nghị.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Bắc Kạn.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Bắc Kạn.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Bắc Kạn có đồng chí Phạm Duy Hưng- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình GDPT 2018 đã đáp ứng được mục tiêu đổi mới, cách tiếp cận khác biệt căn bản so với chương trình hiện hành. Đó là chuyển từ Chương trình định hướng nội dung sang Chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Trong tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa đã có 5 NXB với đội ngũ các nhà khoa học, giáo viên, cán bộ quản lý tham gia biên soạn và trình thẩm định 5 bộ SGK lớp 1, 3 bộ SGK lớp 2, 3 bộ SGK lớp 6 đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 bảo đảm chất lượng..

Việc triển khai thực hiện kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã đạt được những kết quả tích cực. Trên cơ sở nguồn vốn được giao, các địa phương đã triển khai đầu tư xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu dạy học theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học đối với lớp 1; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn...

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, liên quan đến biên soạn SGK; tổ chức thực hiện lựa chọn, phát hành, tập huấn sử dụng SGK ở các địa phương; tài liệu giáo dục địa phương; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng phát biểu tại Hội nghị.

Tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng cho biết: Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 tỉnh Bắc Kạn thực hiện theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, còn gặp một số khó khăn như khoảng cách giữa các trường và điểm trường xa nhau, nên phải bố trí nhiều điểm trường để bảo đảm tất cả học sinh được đến lớp. Trường, lớp học còn thiếu; nhiều lớp học được xây dựng từ lâu có diện tích hẹp chỉ bố trí được khoảng từ 20-25 học sinh/lớp... Số người làm việc trong các cơ sở giáo dục được giao hằng năm không đủ theo định mức quy định; việc thực hiện tinh giản 10% biên chế đã ảnh hưởng đến số lượng biên chế.

Vì vậy, để bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT 2018 đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị với Bộ Nội vụ không thực hiện cắt giảm biên chế các đơn vị sự nghiệp giáo dục vì nếu tiếp tục tinh giản sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí đội ngũ để đảm bảo nhiệm vụ dạy học. Đồng thời, giao đủ số biên chế viên chức theo định mức được quy định Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT và Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.

Sớm ban hành văn bản sửa đổi định mức giáo viên/lớp quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT và điều kiện thực tế của từng vùng, miền; có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, trong đó nên có sự ràng buộc của sinh viên đã được các địa phương cử đi học, tránh tình trạng thực hiện đặt hàng nhưng sinh viên sau khi tốt nghiệp lại tham gia giảng dạy tại địa phương khác dẫn đến không hiệu quả trong việc bổ sung nguồn tuyển dụng giáo viên cho các địa phương....

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đó là: Tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung vào GDPT; đẩy mạnh công tác truyền thông giúp người dân hiểu và đồng thuận, đồng hành trong quá trình triển khai chương trình SGK mới.

Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương rà soát, đánh giá để tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018; tham mưu Chính phủ ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền; chủ động hoàn thiện hệ thống văn bản theo thẩm quyền tạo hành lang pháp lý triển khai hiệu quả Chương trình, SGK GDPT…

Phối hợp chỉ đạo địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện đổi mới Chương trình, SGK GDPT.../.

Hồng Tuyến – Việt Bắc

Xem thêm