Hội nghị trực tuyến tổng kết 8 năm đề án “Xây dựng xã hội học tập"

Sáng 18/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” nhằm đánh giá những kết quả đạt được và chỉ ra những tồn tại, hạn chế của việc triển khai Đề án; trên cơ sở đó đề ra những mục tiêu, giải pháp cho việc xây dựng Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.

Điểm cầu tỉnh Bắc Kạn
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 8 năm thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập” mạng lưới 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên được định hình với gần 10.500 trung tâm học tập cộng đồng; trên 6.000 trung tâm ngoại ngữ - tin học, trung tâm giáo dục kỹ năng sống… 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1. 21/63 tỉnh, thành phố (33,3%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và 11/63 tỉnh, thành phố (17,5%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 03 tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS ở mức cao nhất - mức độ 3. 63/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 34/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Trong 8 năm qua, các địa phương đã tổ chức xóa mù chữ cho trên 300.000 người trong độ tuổi 15-60.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” đề ra một số giải pháp trọng tâm như: Chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đến mọi người dân.Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các hoạt động học tập suốt đời. Đẩy mạnh sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học liên thông qua hệ thống các cơ sở giáo dục thường xuyên để cung ứng nguồn tài nguyên học liệu mở, mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.Việc gắn kết giữa giáo dục thường xuyên và giáo dục chính quy, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội cần được thực hiện tích cực và chặt chẽ hơn. Các trung tâm học tập cộng đồng gắn với xóa mù chữ và dạy nghề ngắn hạn cần nâng cao chất lượng hoạt động. Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án phải cụ thể, sát với thực tiễn và tăng cường kiểm tra thực tế triển khai để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương.

Phòng giáo dục và đào tạo thành phố Bắc Kạn nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Bắc Kạn nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Với các giải pháp tổng thể và chi tiết, Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” đặt mục tiêu tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập theo hướng hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục suốt đời có chất lượng. Điều này góp phần thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhân dịp này, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Bắc Kạn vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập” giai đoạn 2012 – 2020./.

Hà Nhung

Xem thêm