Ba Bể sau 5 năm thực hiện nghị quyết về tiếp tục phát triển cây hồng không hạt

Xác định cây hồng không hạt là cây trồng thế mạnh, mang lại giá trị kinh tế cao, năm 2016 Huyện ủy Ba Bể đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 31/5/2016 về tiếp tục phát triển cây hồng không hạt giai đoạn 2016 - 2020 nhằm ưu tiên đầu tư phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Những kết quả đạt được

Với diện tích trồng lớn nhất trong tỉnh, hồng không hạt là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân và là một trong những sản phẩm OCOP của huyện Ba Bể. Nhằm phát triển cây hồng không hạt theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng, Huyện ủy Ba Bể đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 31/5/2016 về tiếp tục phát triển cây hồng không hạt giai đoạn 2016 - 2020.

Diện tích cây hồng không hạt được cải tạo hiện sinh trưởng, phát triển tốt.
Diện tích cây hồng không hạt được cải tạo hiện sinh trưởng, phát triển tốt.

Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo triển khai quán triệt, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, huyện quy hoạch vùng trồng cây hồng không hạt gồm các địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng, chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng mô hình trồng mới, cải tạo vườn hồng không hạt tại các địa phương này. Hằng năm huyện đều bố trí nguồn vốn sự nghiệp, Chương trình 30a, Chương trình 135 hỗ trợ 100% giống, phân bón năm đầu cho các hộ trồng mới cây hồng không hạt.

Theo đó, các địa phương đã chủ động khai thác tối đa nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ Nhân dân trồng mới, do đó diện tích, năng suất, sản lượng hồng không hạt tăng qua các năm; bước đầu hình thành các vùng sản xuất hồng không hạt tập trung. Tổng diện tích trồng mới cây hồng không hạt trên địa bàn huyện từ năm 2016 đến năm 2020 là 106,43ha.

Cùng với đó, huyện Ba Bể còn phối hợp với các sở, ngành chức năng triển khai cải tạo diện tích hồng không hạt lâu năm kém hiệu quả, bị sâu bệnh; tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật và cấp phát tài liệu về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồng cho các hộ dân. Giai đoạn 2016 - 2019, toàn huyện cải tạo được 19,1ha hồng không hạt.

Năm 2020, huyện Ba Bể phối hợp với Sở KH&CN thực hiện Đề tài “Nghiên cứu sâu bệnh hại chính và ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình nâng cao năng suất và chất lượng cây hồng không hạt Bắc Kạn” giai đoạn 2020 - 2023 tại xã Quảng Khê. Mục tiêu là xác định được các biện pháp, kỹ thuật phòng, chống sâu bệnh hại và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng và duy trì sản xuất ổn định đối với cây hồng không hạt Bắc Kạn. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay 2ha cây hồng không hạt được cải tạo đã phát triển xanh tốt, tỷ lệ đậu quả cao, sâu bệnh giảm.

Là một trong những hộ dân tham gia thực hiện đề tài, ông Đồng Văn Tam, thôn Nà Chom, xã Quảng Khê cho biết: Khi tham gia thực hiện đề tài gia đình tôi được tập huấn kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tại vườn, được cấp vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cây hồng. Vụ này diện tích hồng tham gia thực hiện đề tài sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao, mẫu mã quả đẹp; tỷ lệ bị bệnh thán thư, thối rụng quả thấp hơn hẳn so với những năm trước.

Có thể nói, sau nhiều năm ưu tiên đầu tư phát triển, cây hồng không hạt của huyện Ba Bể đã và đang khẳng định giá trị kinh tế, năng suất và chất lượng, trở thành sản phẩm có thế mạnh của địa phương, tạo thu nhập ổn định cho nông dân. Hồng không hạt Ba Bể được xúc tiến, quảng bá, giới thiệu đến các thị trường lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, có mặt trong các siêu thị lớn như Big C, Co.opmart... Sản phẩm được thị trường ưa chuộng và có nhiều tiềm năng mở rộng diện tích. Tổng diện tích hồng không hạt trên địa bàn huyện hiện có 257,85ha, tăng 13,15ha so với trước khi ban hành Nghị quyết; diện tích cho thu hoạch 124,12ha, tăng 67,12ha, năng suất đạt 36,24 tạ/ha, sản lượng đạt 449,8 tấn.

Vẫn còn những hạn chế

Thời gian gần đây, do người dân chưa chú trọng thâm canh và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nên phát sinh sâu đục thân, bệnh thán thư dẫn đến năng suất, chất lượng không ổn định, mẫu mã chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Nguyên nhân là do việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng quả hồng còn hạn chế; công tác chăm sóc sau trồng chưa được quan tâm chú trọng; nhiều hộ chưa mạnh dạn cải tạo các vườn kém hiệu quả, sản lượng thấp. Với những cây hồng trên 10 năm tuổi, người dân không chú ý đến đốn tỉa, tạo tán, chăm sóc chưa đúng quy trình kỹ thuật. 

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa bám sát vào quy hoạch để phát triển thành vùng trồng tập trung mà chủ yếu hỗ trợ trồng phân tán; chưa chú trọng đầu tư chăm sóc, bảo vệ sau trồng nên tỷ lệ cây sống đạt thấp. Kết quả trồng mới hằng năm đều không đạt kế hoạch, năm cao nhất trồng được 29,09ha, đạt 52,89% chỉ tiêu, năm thấp nhất trồng được 1,9ha, đạt 3,45% chỉ tiêu Nghị quyết. Một số diện tích mới trồng bị chết, diện tích giảm chủ yếu tại xã Thượng Giáo.

Thực tế tại các thôn Bản Pục, Nà Mặn, Nà Khuổi (xã Thượng Giáo), người dân trồng cây hồng không hạt từ nhiều năm nay nhưng chưa phát triển thành diện tích tập trung mà chủ yếu trồng phân tán, tận dụng diện tích đất quanh bờ ruộng, ven suối để trồng khiến việc chăm sóc gặp khó khăn. Chưa kể nhiều hộ trồng nhưng chưa chú trọng chăm sóc nên cây hồng sinh trưởng kém, sâu bệnh nhiều, năng suất giảm.

Đồng chí Ma Thế Tuấn- Chủ tịch UBND xã Thượng Giáo cho biết: Nguyên nhân khiến cây hồng xuất hiện bệnh sâu đục thân, rụng quả bên cạnh yếu tố do khí hậu, thời tiết thì người dân vẫn chưa thực sự đầu tư công chăm sóc, chưa áp dụng kỹ thuật trong canh tác. Đa phần các hộ trồng nhỏ lẻ, phân tán và để cây phát triển tự nhiên. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, chính quyền địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của cơ quan chuyên môn trong việc hướng dẫn biện pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, nhằm bảo vệ diện tích hồng không hạt trên địa bàn.

Để nâng cao năng suất, chất lượng cây hồng không hạt của địa phương, thời gian tới huyện Ba Bể tiếp tục chỉ đạo các xã trong vùng quy hoạch phối hợp với sở, ngành chức năng cải tạo diện tích kém hiệu quả, tập huấn kỹ thuật cho người dân; xây dựng mô hình sản xuất điểm theo hướng VietGAP, hữu cơ. Đồng thời hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác có sản phẩm hồng không hạt được chứng nhận OCOP tham gia các hội chợ, hội nghị quảng bá sản phẩm trong cả nước, góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm./.

H.Thanh

Xem thêm