Tạo sức bật cho du lịch hồ Ba Bể - Bài 2

Dù có tiềm năng phong phú, nhưng hiện nay các sản phẩm du lịch của Ba Bể còn nghèo nàn. Để tạo sức bật cho du lịch hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã và đang tích cực huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, xúc tiến, quảng bá du lịch…

Dù có tiềm năng phong phú, nhưng hiện nay các sản phẩm du lịch của Ba Bể còn nghèo nàn. Để tạo sức bật cho du lịch hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã và đang tích cực huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, xúc tiến, quảng bá du lịch…

Với sự quan tâm đầu tư, tin tưởng rằng du lịch hồ Ba Bể thực sự cất cánh trong thời gian tới.
Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh và địa phương, tin tưởng rằng du lịch hồ Ba Bể sẽ "cất cánh" trong thời gian tới.

“Điểm nghẽn” trong phát triển du lịch hồ Ba Bể

Mặc dù hồ Ba Bể có tiềm năng lớn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, lịch sử - tâm linh, du lịch trải nghiệm, khám phá... Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, chưa trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguyên nhân là do hồ Ba Bể là di tích Quốc gia đặc biệt và nằm trong khu vực rừng nguyên sinh của Vườn Quốc gia Ba Bể nên việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, hệ thống đường giao thông kết nối các trung tâm kinh tế - xã hội với hồ Ba Bể chưa phát triển, thiếu đồng bộ, giao thông trong nội bộ khu du lịch còn chật hẹp, nhiều đoạn đường dốc quanh co, đường hẹp và xuống dốc, di chuyển mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến việc đi lại của du khách.

Mặt khác, các dịch vụ, sản phẩm du lịch còn mang tính tự phát, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách; chưa có khu, điểm vui chơi, giải trí thu hút du khách lưu trú dài ngày… Hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch chưa phát triển, chủ yếu tự phát do người dân sinh sống xung quanh khu vực hồ Ba Bể tự đầu tư xây dựng nên có quy mô nhỏ, chất lượng chưa cao, chưa thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch đến đầu tư xây dựng các điểm du lịch, hệ thống nhà hàng, khách sạn trên địa bàn.

Bên cạnh đó, công tác quản lý khu du lịch còn hạn chế; việc quản lý, điều hành hoạt động xuồng chở khách chưa quy củ, khoa học; việc thu gom, xử lý rác thải chưa thường xuyên và triệt để, vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi tại khu vực đầu nguồn chảy vào hồ làm ảnh hưởng môi trường sinh thái, nhất là sau các đợt mưa lũ… Những nguyên nhân này đã trở thành “điểm nghẽn” khiến du lịch hồ Ba Bể chưa phát triển xứng với tiềm năng vốn có.

Tạo sức bật cho du lịch hồ Ba Bể

Để từng bước tháo gỡ nút thắt này, một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra là tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch và công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm là du lịch hồ Ba Bể. Để cụ thể hóa nội dung này, năm 2021 Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu là phấn đấu đưa khu du lịch hồ Ba Bể thành khu du lịch Quốc gia vào năm 2025 nhằm phát triển du lịch mang tính chuyên nghiệp, bền vững và đa dạng các sản phẩm du lịch.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra, tỉnh Bắc Kạn đã và đang huy động nguồn lực để lập các quy hoạch phát triển, quy hoạch xây dựng, trong đó có quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể và vùng phụ cận. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông khu vực xung quanh hồ Ba Bể với tổng vốn trên 185 tỷ đồng, bao gồm: Cải tạo, nâng cấp đường vòng quanh hồ với chiều dài 7,6km; bổ sung tuyến đường Nam Mẫu - Quảng Khê dài 6,5km; đầu tư xây dựng mới tuyến đường Quảng Khê - Khang Ninh với chiều dài 18km, tổng vốn đầu tư 439 tỷ đồng...

Đặc biệt, năm 2021, tỉnh đã khởi công xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể với chiều dài 39km. Đây là dự án quan trọng, có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh. Khi hoàn thành sẽ cải thiện mạng lưới giao thông, rút ngắn thời gian, quãng đường đến hồ Ba Bể; tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, du khách đến tham quan, thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại, du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, Bắc Kạn cũng đã xây dựng phương án kết nối tuyến đường này sang khu du lịch Na Hang, tỉnh Tuyên Quang với chiều dài 19km, đồng thời xây dựng thêm hai tuyến đường vòng quanh hồ Ba Bể.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần XII, nhiệm kỳ 2020-2025, đưa du lịch trở thành mũi nhọn, trọng tâm là du lịch hồ Ba Bể, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Ba Bể lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển du lịch Ba Bể là một trong 02 nhiệm vụ trọng tâm, then chốt cho cả nhiệm kỳ. Theo đó, tại Kỳ họp thứ năm, HĐND huyện Ba Bể khóa XX đã quyết nghị thông qua Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu nhằm huy động các nguồn lực đầu tư, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả nội dung của Đề án, qua đó góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế của huyện. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Khu du lịch hồ Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia.

Hiện thực hóa mục tiêu này, huyện đã và đang triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm khai thác và phát huy tài nguyên du lịch bao gồm: Hoàn thiện quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt - danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể; quy hoạch các khu, điểm du lịch, tập trung nguồn lực từ đầu nhiệm kỳ để thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch như quảng bá hình ảnh du lịch hồ Ba Bể, khôi phục những ngành nghề truyền thống, sản phẩm văn hóa bản địa, làng du lịch cộng đồng..., tạo ra các sản phẩm thu hút khách du lịch.

Năm 2021 huyện Ba Bể cũng đã dành hơn 10 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới một số hạng mục công trình phục vụ phát triển du lịch như: Đầu tư, xây dựng hệ thống đường điện thắp sáng đảo Bà Goá để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm; thắp sáng đảo An Mạ để dần hình thành tour du lịch về đêm trên hồ.

Huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, trong đó trọng tâm là Ban quản lý Khu du lịch Ba Bể nghiên cứu, xây dựng, triển khai loại hình du lịch về đêm với những sản phẩm du lịch mới như: Hát Then, đàn Tính, hát Sli, Lượn trên mặt hồ gắn với du lịch tâm linh trên đền An Mạ…; đầu tư, xây dựng mới hệ thống điện thắp sáng, đèn Led trang trí chủ điểm trong động Hua Mạ. Đồng thời xây dựng mới điểm đón, tiếp khách phục vụ nhu cầu thiết yếu của du khách.

Ngoài việc quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng, huyện quyết liệt chỉ đạo và giải quyết dứt điểm tình trạng bán hàng không đúng nơi quy định tại khu vực đường dẫn lên ao Tiên, đền An Mạ tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Đồng thời quan tâm chỉ đạo phát triển, xây dựng mô hình thủ công truyền thống, sản phẩm du lịch như: Mô hình dệt thủ công truyền thống dân tộc Tày, thêu hoa văn trang phục truyền thống dân tộc Dao, dân tộc Mông; ẩm thực, sản phẩm nông sản; làn điệu dân ca, dân gian, dân vũ... của đồng bào các dân tộc thiểu số. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp hàng hoá và chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP).

Hiện nay, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đề xuất khoảng 20 dự án xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, các mô hình du lịch trải nghiệm gắn với các sản phẩm nông, lâm sản địa phương, các khu trò chơi mạo hiểm, xây dựng tour du lịch thám hiểm vườn quốc gia và nhiều dịch vụ giải trí cao cấp khác… Tới đây, khi tuyến đường TP. Bắc Kạn – hồ Ba Bể hoàn thành sẽ rút ngắn một nửa thời gian đến hồ Ba Bể so với trước đây, tạo kết nối vùng và môi trường hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch đến Ba Bể nói riêng và Bắc Kạn nói chung.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn- Bí thư Huyện ủy Ba Bể cho biết: Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện, các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn tích cực phối hợp với chủ đầu tư trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân để tạo sự thống nhất cao trong triển khai thực hiện, không để xảy ra tình trạng bức xúc, hình thành điểm nóng nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các tuyến đường sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch hồ Ba Bể trong thời gian tới.

Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, tin tưởng rằng du lịch hồ Ba Bể sẽ tháo gỡ được “điểm nghẽn”, có bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới./.

H.T

Xem thêm