Phát triển du lịch cộng đồng ở vùng hồ Ba Bể

Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, phát triển phong phú các sản phẩm du lịch, khai thác lễ hội văn hóa, ngành nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ được huyện Ba Bể xác định tập trung thực hiện trong giai đoạn 2020-2025 để phát triển du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.

Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, phát triển phong phú các sản phẩm du lịch, khai thác lễ hội văn hóa, ngành nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ được huyện Ba Bể xác định tập trung thực hiện trong giai đoạn 2020-2025 để phát triển du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.

Tiềm năng có sẵn

Hiện nay, Khu du lịch Ba Bể là điểm du lịch trọng điểm nổi bật nhất của tỉnh Bắc Kạn. Đây là nơi có nhiều điểm tham quan du lịch độc đáo với các thắng cảnh như: Ao Tiên, đảo Bà Góa, đền An Mã, động Puông, thác Đầu Đẳng, thác Tát Mạ, sông Năng; động Hua Mạ, động Nà Phoòng, hang Thẳm Kít, hang Thẳm Phầy… Các bản làng ven hồ Ba Bể là nơi lưu giữ các nét văn hóa, phong tục và ẩm thực đặc trưng, độc đáo của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao. Đây là tiềm năng lớn để huyện Ba Bể khai thác, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm ở vùng hồ Ba Bể.

Cơ sở homestay tại thôn Pác Ngòi vẫn giữ được nét văn hóa nhà sàn của người Tày.
Cơ sở homestay tại thôn Pác Ngòi.

Nắm bắt lợi thế đó, những năm qua, người dân các xã trong vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể đã đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nhằm thu hút thị hiếu của khách du lịch. Hiện nay tại các thôn Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc xã Nam Mẫu phát triển các mô hình du lịch homestay rất mạnh. Các hộ gia đình đã nâng cấp, cải tạo chính ngôi nhà sàn của mình để kinh doanh dịch vụ homestay, vừa đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của du khách vừa giữ gìn được nét văn hóa truyền thống của người Tày.

Khu vực xã Nam Mẫu có khoảng gần 60 hộ gia đình đăng ký làm dịch vụ du lịch nhà sàn homestay phục vụ nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm danh lam thắng cảnh, văn hóa và thưởng thức ẩm thực địa phương. Nhiều gia đình còn đầu tư xuồng để chở khách tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp của hồ Ba Bể, xây dựng các tour, tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa, ẩm thực với đồng bào dân tộc trong vùng.

Bên cạnh đó, tại xã Nam Mẫu còn thành lập 08 đội văn nghệ hát Then, đàn Tính của người Tày và múa khèn của người Mông để biểu diễn phục vụ du khách. Những hoạt động du lịch cộng đồng này không những giới thiệu, quảng bá văn hóa đặc sắc của dân tộc địa phương đến với du khách gần xa mà còn tạo việc làm cho người dân, đồng thời nâng cao nhận thức về du lịch đối với cộng đồng dân cư, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Vào mùa cao điểm của du lịch hồ Ba Bể, xã Nam Mẫu đón hàng nghìn khách du lịch đến với địa phương để tham quan và trải nghiệm đời sống sinh hoạt, văn hóa đặc sắc, thưởng thức ẩm thực của người dân bản địa.

Du lịch homestay ở Ba Bể thu hút đông đảo du khách thập phương.
Du lịch homestay ở Ba Bể thu hút đông đảo du khách thập phương.

Anh Triệu Văn Hùng- Chủ cơ sở Ba Bể Farmstay tại thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu cho biết: Các bản, làng ven hồ Ba Bể có lợi thế là vẫn lưu giữ được nét văn hóa nhà sàn của người Tày, Nùng, văn hóa, ẩm thực độc đáo; khí hậu trong lành, mát mẻ thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Vì vậy gia đình tôi đã khai thác tiềm năng này để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng khuôn viên xanh - sạch- đẹp để phát triển mô hình du lịch homestay phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ và tham quan trải nghiệm của du khách, vừa phát triển kinh tế vừa giữ gìn văn hóa đặc trưng của dân tộc mình không bị mai một. Từ đầu năm đến nay, tuy ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng cơ sở của tôi vẫn đón khoảng 15 đoàn khách đến lưu trú, tham quan, trải nghiệm.

Năm 2021, huyện Ba Bể có 02 hồ sơ về du lịch cộng đồng được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đó là Ba Bể green homestay và Homestay Quỳnh Mai. Đây là hướng đi mới trong việc tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của vùng hồ theo hướng quy mô và chuyên nghiệp hơn, từ đó khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương để du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm ở vùng hồ Ba Bể phát triển bền vững.

Để du lịch cộng đồng phát triển bền vững

Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng do chưa được đầu tư bài bản nên vẫn chưa được phát huy triệt để, chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia để nâng cao thu nhập từ phát triển dịch vụ du lịch. Nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, cơ sở lưu trú chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng, nhân lực du lịch chưa chuyên nghiệp, cơ sở hạ tầng còn hạn chế… Đặc biệt hệ thống giao thông khu vực xung quanh hồ Ba Bể có nhiều đoạn đường dốc quanh co, đường hẹp và xuống cấp, di chuyển mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến việc đi lại của khách du lịch. Các cơ sở homestay chủ yếu là tự phát, còn thiếu các công trình thiết yếu phục vụ du khách. Trong thời gian qua hình thức hoạt động du lịch chủ yếu ở khu vực này vẫn chỉ là cung cấp một phần các dịch vụ lưu trú, còn thiếu các hoạt động trải nghiệm, vui chơi, mua sắm sản vật của địa phương để du khách có cơ hội giao lưu, tìm hiểu văn hóa của người dân bản địa, chưa tự tổ chức được các tour du lịch trọn gói.

Anh Dương Văn Vĩnh- Chủ cơ sở Homestay Hoàng Nguyên, thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu chia sẻ: Hiện nay khách du lịch đến với cơ sở chủ yếu là ăn, nghỉ, các dịch vụ sản phẩm trọn gói là do các đoàn tự liên kết với công ty du lịch để tổ chức, cơ sở chúng tôi chỉ thực hiện theo kế hoạch của các đoàn khách. Đây cũng là một trong những hạn chế của cơ sở, vì không thể chủ động xây dựng, tư vấn cho du khách các tour, tuyến để giới thiệu được các điểm tham quan danh lam thắng cảnh, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực đặc sắc của địa phương.

Giai đoạn 2020-2025, huyện Ba Bể quy hoạch chi tiết xây dựng 4 thôn thuộc xã Nam Mẫu để quản lý và phát triển du lịch; xây dựng kế hoạch phát triển từ 1 đến 2 làng nghề để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hoá dân tộc. Để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới rất cần có sự quan tâm hơn nữa của tỉnh, ngành chức năng, các doanh nghiệp trong việc đầu tư nâng cấp đường giao thông đến các điểm tham quan du lịch, hỗ trợ khôi phục và lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phát triển phong phú các sản phẩm du lịch, đào tạo, tập huấn nhân lực làm du lịch cho các cơ sở homestay, xúc tiến, giới thiệu quảng bá về du lịch cộng đồng đến với đông đảo du khách thập phương để du lịch cộng đồng ở vùng hồ Ba Bể phát triển ngày càng bền vững./.

Hà Thanh

Xem thêm