Na Rì: Phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch

Những năm qua, huyện Na Rì đã tập trung bảo tồn, gìn giữ và từng bước đầu tư, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, lợi thế du lịch trên địa bàn.

Những năm qua, huyện Na Rì đã tập trung bảo tồn, gìn giữ và từng bước đầu tư, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, lợi thế du lịch trên địa bàn.

Động Nàng Tiên tại thị trấn Yến Lạc được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Động Nàng Tiên tại thị trấn Yến Lạc được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Huyện Na Rì có nhiều di tích lịch sử như: Di tích lịch sử Pò Kép, xã Văn Vũ, nơi đồng chí Phùng Chí Kiên mưu trí vượt vòng vây địch; Nha Na Rì tại thôn Bắc Sen, xã Xuân Dương, nơi thực dân Pháp đặt châu lị Na Rì, đến năm 1945 chính quyền huyện cũng đặt tại đây; Đồn Tây tại phố cổ thị trấn Yến Lạc là nơi Pháp đặt đồn cai trị năm 1895 – 1947; Nà Hán, xã Văn Minh là nơi thành lập Huyện ủy và chính quyền cách mạng Na Rì năm 1945 – 1947; Pò Pái, xã Cư Lễ là nơi sơ tán, làm việc của Huyện ủy Na Rì thời kỳ cách mạng.

Về di sản văn hóa phi vật thể, có các làn điệu hát Then, Sli, lượn, Páo dung, các nghi lễ cấp sắc, kỳ yên... Các lễ hội văn hóa dân gian như: Hội chợ truyền thống xã Xuân Dương; hội Lồng tồng xã Sơn Thành; hội cầu mùa của dân tộc Dao thôn Nà Thác, xã Đổng Xá; hội xuân của đồng bào Mông thôn Khuổi Nộc, xã Lương Thượng. Về danh lam, thắng cảnh có động Nàng Tiên (thị trấn Yến Lạc) được xếp hạng di tích cấp quốc gia, hồ Khuổi Khe (xã Kim Lư), thác Nà Đăng (xã Sơn Thành), thác Nà Cà (xã Đổng Xá), động Lũng Danh (xã Liêm Thủy), hệ sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ.

Các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của huyện những năm qua đã được quan tâm như: Được kiểm kê, thực hiện thủ tục xếp hạng, quan tâm phục dựng, khai thác tiềm năng gắn với du lịch. Mặc dù số lượng khách tham quan, du lịch các lễ hội, thắng cảnh qua từng năm tăng trưởng dần nhưng chủ yếu vẫn là người trong huyện, tỉnh. Việc đầu tư và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch đã có sự quan tâm, tuy nhiên vẫn chưa hình thành được chuỗi sản phẩm du lịch gắn với di sản, văn hóa thu hút du khách.

Để phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch, Dự thảo Đề án Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch huyện Na Rì, giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn năm 2030 huyện Na Rì đã tập trung xây dựng các giải pháp và nội dung chính như: Xây dựng khu vui chơi, giải trí và giao lưu văn hóa ẩm thực “Chợ đêm” tại khu phố cổ, thị trấn Yến Lạc; xây dựng điểm tham quan, nghỉ dưỡng và giao lưu văn hóa ẩm thực dân tộc Dao tại thôn Khuổi Ít, xã Kim Lư; bảo tồn và phục dựng 04 lễ hội dân gian truyền thống tại các xã Sơn Thành, Đổng Xá, Lương Thượng, Xuân Dương; xây dựng điểm tham quan, trải nghiệm, giao lưu văn hóa, văn nghệ và ẩm thực dân tộc tại trung tâm xã Xuân Dương; xây dựng điểm tham quan, trải nghiệm và mua sắm sản phẩm OCOP tại xã Côn Minh; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch tại địa phương cho cán bộ văn hóa cơ sở, các nghệ nhân dân gian và người dân trên địa bàn huyện; khảo sát, sưu tầm, kiểm kê, lập danh mục để xây dựng và ban hành Quy chế quản lý, sử dụng và khai thác giá trị di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững trên địa bàn huyện Na Rì... Mục tiêu phát triển du lịch trở thành một lĩnh vực kinh tế trong cơ cấu kinh tế địa phương, làm động lực thúc đẩy phát triển các ngành khác cũng như kinh tế - xã hội của huyện, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo, sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có sức cạnh tranh.

Huyện đã và đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch thắng cảnh, các lễ hội văn hóa dân gian; xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa, như: Tìm hiểu đời sống sinh hoạt, lao động của đồng bào; các nghề truyền thống như đan lát, mộc, dệt thổ cẩm, may thêu trang phục dân tộc, làm các nhạc cụ; các làn điệu dân ca, dân vũ như hát Then, Sli, lượn, múa khèn…; xây dựng, các sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm thiên nhiên. Quan tâm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch, chú trọng công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cán bộ trong lĩnh vực du lịch. Tăng cường cơ chế phối hợp hoạt động du lịch với các huyện, tỉnh phụ cận và các địa phương khác; xây dựng quy hoạch chi tiết cho các khu, điểm du lịch trọng điểm của huyện. Phát triển hệ thống các công trình dịch vụ bổ trợ như công trình nhà nghỉ, vui chơi giải trí, thể thao ở các khu, điểm du lịch quan trọng. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội để tăng cường tính chủ động của người dân trong phát triển du lịch. Có chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia đầu tư phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch ở nơi họ sinh sống, tích cực ngăn chặn suy thoái tài nguyên, môi trường; xây dựng phương án bảo vệ môi trường du lịch ở các khu, điểm du lịch.../.

D.K

Xem thêm