Nghề làm chổi chít

Ở tổ 10, phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn), nghề làm chổi chít đã được hình thành từ vài chục năm. Nhờ công việc này, nhiều hộ dân có thu nhập ổn định.

Gia đình bà Trần Thị Nụ ở tổ 10, phường Sông Cầu gắn bó với nghề làm chổi chít gần 50 năm.
Gia đình bà Trần Thị Nụ ở tổ 10, phường Sông Cầu gắn bó với nghề làm chổi chít gần 50 năm.

Dọc theo trục đường chính tổ 10, không khó để bắt gặp những chiếc xe chở chổi chít qua lại. Dừng chân bên nhà bà Trần Thị Nụ, một trong những hộ làm chổi lâu năm và bền đẹp đúng lúc vợ chồng bà đang bận rộn làm chổi. Đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt cuốn chổi nhằm tạo thành sản phẩm tốt phục vụ người tiêu dùng.

Vừa cuốn chổi, bà Nụ vừa giới thiệu về nghề làm chổi chít nơi đây: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy những bông chít treo trước hiên nhà. Đến đâu cũng thấy nhà nhà làm chổi, trẻ con không cần phải dạy nhiều, nhìn mãi cũng quen và làm theo. Ngày đó, tôi mới 9-10 tuổi đã biết làm chổi thành thạo. Qua mấy chục năm, thành phố Bắc Kạn tuy phát triển, nhưng nghề chổi chít vẫn duy trì đến nay”.

Bà Nụ chia sẻ: Để làm ra một cây chổi chít, cũng rất cầu kỳ, mỗi nhà có một cách làm riêng. Đối với gia đình tôi, sau khi thu mua bông chít về, tôi không phơi nắng mà treo trong hiên nhà, tránh nắng, gió để bông chổi giữ màu xanh cốm như lúc mới hái, khác hẳn với những cây chổi màu vàng nhạt của một số nơi. Bông chít treo từ 2 - 3 tháng mới sử dụng được. Sau khi đập rụng hết hoa và loại bỏ những bông vàng thì bó lại thành từng bó nhỏ (gọi là con chổi). Tùy theo độ dày, mỏng do khách đặt mà cuốn số lượng con chổi cho phù hợp. Chổi loại dày có giá 70.000 đồng/chiếc, loại mỏng rẻ hơn. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công, nhẹ nhàng, không tốn nhiều công sức. Nghe qua có vẻ dễ, nhưng để làm một cây chổi đẹp, bền cần sự khéo léo, tinh tế. Người làm chổi cũng phải tần tảo, chịu khó thì mới theo nghề được lâu. Đây là nghề chính của vợ chồng tôi mấy chục năm qua. Nhờ nghề này gia đình tôi nuôi 3 người con ăn học đầy đủ, có thu nhập ổn định. 

Thông thường, một chiếc chổi chỉ có tuổi thọ khoảng 6 tháng, nhưng chổi chít ở đây được khách hàng phản hồi, thời gian sử dụng 1 năm, thậm chí 2 năm chưa hỏng, cũng không bị rụng bông. Cũng chính vì thế mà vợ chồng bà Nụ làm không kịp các đơn hàng, “có tư thương tận Bắc Ninh 10 năm nay thường xuyên lấy chổi chít của gia đình tôi nhưng chúng tôi chưa bao giờ gặp mặt, chỉ giao dịch qua điện thoại di động”- bà Nụ chia sẻ.

Ngay cạnh nhà bà Nụ là cơ sở sản xuất chổi chít Vinh Hòa của gia đình ông Trần Công Vinh. Gia đình ông Vinh cũng phát triển nghề chổi chít vài chục năm. Từ một hộ sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, ông Vinh đã trở thành một chủ sản xuất chổi thủ công quy mô khá lớn. Vài năm trở lại đây, mỗi năm cơ sở của ông sản xuất được gần 6.000 cái, tạo việc làm cho 4 lao động. Chổi chít của cơ sở ông Vinh có giá thành thấp hơn, từ 25.000 - 40.000 đồng/cái, tùy từng loại. “Sản phẩm làm ra không lo “ế”, vì đơn hàng của các khu công nghiệp dưới xuôi đặt rất nhiều nhưng không làm xuể”- ông Vinh cho biết. Không chỉ sản xuất, ông còn thu mua chổi của một số hộ dân trong vùng tiêu thụ đi các tỉnh, lợi nhuận đạt khoảng 150 triệu đồng/năm.

Ông Nông Văn Dung- Tổ trưởng tổ 10 cho biết: Tổ 10 hiện có 106 hộ dân, trong đó có 12 hộ gắn bó với nghề làm chổi chít lâu năm. Dù đã hình thành từ lâu, nhưng để phát triển mở rộng quy mô thì nghề làm chổi chít còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn. Nguồn nguyên liệu chít tươi đang ngày càng thu hẹp và chỉ được thu hái trong một khoảng thời gian ngắn. Vì vậy, các hộ làm chổi phải đầu tư vốn ban đầu lớn để tích trữ nguồn nguyên liệu dùng cho một năm. Cho nên, dù nhiều hộ dân mong muốn mở rộng quy mô nhưng vì lẽ đó chỉ đành sản xuất nhỏ lẻ.

Theo ông Vinh, với số lượng sản xuất của cơ sở, mỗi năm gia đình ông sẽ cần khoảng 200 triệu tiền vốn đầu tư mua nguyên liệu, thời điểm mua nguyên liệu tập trung vào tháng 1, tháng 2. Làm chổi chít là nghề chính nên đa phần tiền lãi thu được đều trang trải cuộc sống hằng ngày, số tiền tích lũy một năm không nhiều, do đó các hộ làm chổi rất cần vay vốn đầu tư.

Các hộ sản xuất chổi chít mong muốn nhận được sự quan tâm từ các cấp, ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Đồng thời hỗ trợ thành lập hợp tác xã hoạt động quy mô, có người đứng ra đại diện từ khâu thu mua nguyên liệu đến sản xuất, tiêu thụ, từng bước hình thành thương hiệu sản phẩm chổi chít thủ công truyền thống./.

Đồng Lai

Xem thêm