Nghề đánh cá nơi vùng hồ Ba Bể

Từ bao đời nay, một số hộ dân ở xã Nam Mẫu (Ba Bể) vẫn gắn bó với nghề thả lưới đánh cá ở hồ Ba Bể. Là nghề truyền thống được truyền lại từ đời cha ông, dù giá trị kinh tế không nhiều nhưng các hộ dân nơi đây vẫn lưu giữ và trân trọng.

Hình ảnh đẹp quen thuộc trên Hồ Ba Bể (Vợ chồng anh Tuyên đi thả lưới đánh cá và thả lưới bát quái).
Vợ chồng anh Tuyên đi thả lưới đánh cá trên hồ Ba Bể.

Đến làng Pác Ngòi, hỏi về nghề đánh cá, chúng tôi được giới thiệu đến gặp ông Triệu Văn Xanh, người đã 30 năm gắn bó với nghề làm chài lưới. Vượt con dốc thẳng đứng, chúng tôi tìm đến ngôi nhà gỗ đơn sơ, ông Xanh đang miệt mài làm một chiếc chài mới. Nhắc về nghề đánh cá vùng hồ Ba Bể, ông hồi tưởng lại: "Nhà tôi đã 4 đời làm chài lưới. Trước đây, các cụ còn làm lưới bằng dây rừng, sau này mới có cước, có dù để làm. Tôi bị thần kinh tọa nhiều năm nay, từ năm 1990, tôi bắt đầu ngồi làm chài lưới, ai đến đặt thì làm. Thời điểm ấy cả làng nhà nào cũng đi đánh cá nên làm không kịp, có khi phải đặt trước mấy tháng.

Những năm gần đây, người dân trong làng phát triển du lịch, rồi đi làm công nhân nhiều nên người làm nghề đánh cá cũng ít dần. Dù vậy, tôi lại có thêm nhiều đơn đặt hàng từ các nơi khác nên việc vẫn đều, trung bình mỗi chiếc chài hoàn chỉnh tôi làm trong 20 ngày, lưới thả phức tạp hơn nên tôi ít nhận làm. Thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đi lại khó khăn, nên các đơn đặt hàng làm chài, vợt nhiều hơn, nhiều người đã quay lại với nghề đánh cá. Đây là một nghề truyền thống mang đặc trưng riêng của người dân vùng hồ Ba Bể, chính vì vậy bà con vẫn muốn lưu giữ".

Đang chuẩn bị cho chuyến bắt cá, ông Hứa Văn Khoa luôn tay buộc lưới chuyển lên thuyền. Gắn bó với nghề đánh cá từ năm 20 tuổi, đến khi tóc đổi màu, ông đã nhiều lần truyền nghề cho thanh niên trong làng. Ông bảo: "Tôi đánh cá từ khi còn bằng thuyền gỗ, đến nay là thuyền sắt. Giờ không còn khỏe như thời trẻ, mỗi lần đi thả lưới, thả lưới bát quái bắt cả cá, tôm, tép có lúc chỉ được hơn 100.000 đồng, hoặc đủ để mang về nhà làm một đĩa thức ăn, nhưng ngày nào cũng muốn đi".

Thông thường, buổi đánh cá trên hồ Ba Bể sẽ bắt đầu từ khoảng 15h hôm trước, ngư dân lên thuyền và chèo đến các địa điểm thấy có cá nhảy lên sẽ tiến hành thả lưới, với người đã quen tay chỉ mất hơn một giờ đồng hồ là có thể quay về. Đến 3h sáng hôm sau, những chiếc thuyền lại rẽ sóng trong đêm lên đường thu lưới và chở cá về. Hiện nay cá vùng hồ đa số là loại cá bé bằng hai ngón tay, nếu muốn bắt cá to, ngư dân phải thả lưới thật sâu mới có cá rô phi đơn tính, cá chép từ 2kg trở lên. Hơn 5h sáng, sau khi đổ cá từ lưới ra, người dân sẽ mang ra chợ hoặc các bến xuồng bán. Cá nhỏ có giá bán từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, cá to hơn là 100.000 đồng/kg. Khi thả lưới bát quái, ngư dân sẽ bắt được cả tôm tép, trung bình tôm to bán được 150.000 đồng/kg; tôm nhỏ có giá 80.000 đồng/kg.

Ông Triệu Văn Xanh vượt qua bệnh tật gắn bó với nghề đan chài, lưới đánh cá
Ông Triệu Văn Xanh vượt qua bệnh tật gắn bó với nghề đan chài, lưới đánh cá.

Anh Triệu Duy Tuyên (sinh năm 1978) cho biết thêm: Dân ở đây đánh cá quanh năm, nhưng thời điểm nhiều cá nhất là khoảng tháng 7, tháng 8. Trước đây cá rất nhiều, mọi người chủ yếu đi đánh về để cải thiện bữa ăn và bán cho thương lái. Những năm gần đây, giao thông thuận lợi và du lịch phát triển nên bán chạy hơn nhưng cá không còn nhiều như trước. Hầu hết mọi người, đặc biệt là du khách, kể cả khách nước ngoài đến đây ăn cá hồ đều khen ngon, chắc thịt và rất ưa thích. Vậy nên, với những người làm dịch vụ homestay như chúng tôi, hầu như bữa ăn nào phục vụ khách du lịch cũng có món cá hồ rán giòn, cá to nấu canh hoặc kho. Nhiều người trong tỉnh đến đây cũng tìm mua cá hồ mang về…

Mang ý nghĩa đặc trưng của hồ Ba Bể như vậy, nên hầu hết người dân Pác Ngòi đều đã từng đi đánh cá. Nhắc về nguy hiểm thì bà con cho rằng rất ít gặp, là người dân vùng hồ nên ai cũng biết bơi, khi đi thả lưới nếu gặp gió to phải nhanh chóng lái thuyền vào bờ, đến khi gió lặng lại tiếp tục chèo ra. Hiện nay, toàn thôn Pác Ngòi có gần 10 ngư dân gắn bó thường xuyên với nghề đánh cá, trung bình mỗi đêm sẽ thu được hơn 200.000 đồng, cũng có lúc chỉ được 1 - 2kg cá con.

Ông Ngôn Văn Sơn- Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu cho biết: Xã Nam Mẫu hiện còn khoảng 40 ngư dân chuyên đánh cá tại các thôn Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, Bản Cám. Xã luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho bà con giữ nghề đánh cá, ổn định thu nhập. Chính quyền xã chú trọng công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn khi đánh cá và quy chế quản lý thủy sản cho người dân, đồng thời kiên quyết xử lý tình trạng sử dụng kích điện trên sông hồ, nhắc nhở bà con hạn chế đánh bắt vào mùa sinh sản của cá để bảo tồn bền vững nguồn thủy sản./.

Bích Phượng

Xem thêm