Công việc thầm lặng của những công nhân mỏ

Một ngày có hơn 7 tiếng làm việc dưới mỏ độ sâu vài trăm mét trong điều kiện thiếu ánh sáng, đó là công việc của những người công nhân mỏ ở Chợ Đồn. Tuy khó khăn, vất vả, nhưng những cống hiến của họ thật đáng ghi nhận, họ là những người đã làm ra sản phẩm phục vụ chế biến công nghiệp khoáng sản, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Công nhân mỏ thuộc mỏ khai thác Bắc Lũng Hoài (thôn Phja Khao, xã Bản Thi)
Công nhân khai thác mỏ Bắc Lũng Hoài (thôn Phja Khao, xã Bản Thi).

Buổi sáng, chúng tôi có mặt tại mỏ khai thác Bắc Lũng Hoài trực thuộc Công ty TNHH MTV Kim loại màu Bắc Kạn quản lý. Đây là một trong những mỏ nằm trên đỉnh Phja Khao của xã Bản Thi có độ cao gần 1.000m. Thời tiết nơi đây mát mẻ về mùa hè, lạnh giá về mùa đông, trong năm có 3 tháng thường xuyên mưa ẩm và nhiều sương mù.

Tại tổ khai thác của mỏ mà chúng tôi đặt chân đến có hơn 10 công nhân hầu hết ở độ tuổi còn khá trẻ, chỉ vài người ở độ tuổi trung niên. Ca hoạt động của tổ là bắt đầu hơn 7h sáng, kết thúc lúc hơn 11h trưa. Từ cửa mỏ đến vị trí khai thác vào khoảng 400m, nhờ có phương tiện hỗ trợ, công nhân tại đây không phải đi bộ vào mỏ mà di chuyển bằng xe chuyên dụng. Trước khi vào mỏ tất cả đều phải tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ như đi ủng, đội mũ có gắn đèn chiếu sáng, găng tay, khẩu trang.

Là người có thâm niên hơn 20 năm gắn bó công việc khai thác hầm lò, anh Nguyễn Trọng Bằng- Tổ trưởng Tổ khai thác Bắc Lũng Hoài có những trải lòng: "Nhà tôi ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, nhờ bạn bè giới thiệu, tôi đã lên Bản Thi để kiếm việc làm. Ngày đầu bước chân vào mỏ thực sự cũng cảm thấy lo lắng, sợ những bất trắc, rủi ro vì chưa bao giờ phải lao động trong điều kiện đặc biệt như vậy, nhưng nhờ được đồng nghiệp giúp đỡ, công ty quan tâm đến đời sống công nhân, chú trọng công tác an toàn lao động nên tôi mới gắn bó đến ngày hôm nay".

Giờ đây cả vợ anh cũng theo chồng lên làm công nhân mỏ nhưng phụ trách mảng hậu cần. Gia đình anh có 2 con, một cháu đã đi làm và một cháu đang học phổ thông. Mỗi ngày anh làm việc hơn 7 tiếng đồng hồ, tham gia thao tác ở nhiều công đoạn khác nhau như: Khoan nổ mìn, gia cố, chèn chống các vị trí xung yếu, vận hành máy tời lò nghiêng động cơ điện. Khi có những vấn đề phát sinh, anh Bằng cho biết mình phải bình tĩnh tháo gỡ, báo cáo lãnh đạo để có biện pháp xử lý.

Giờ tan ca của công nhân mỏ
Giờ tan ca của công nhân mỏ.

Còn đối với anh Đinh Tiến Thắng là người tỉnh ngoài nhưng cũng có gần 10 năm làm công nhân mỏ ở đây. Sau khi các đồng nghiệp khoan, nổ mìn xong, nhiệm vụ của anh là xúc quặng vào goòng. Công việc đôi lúc cũng mệt, vất vả nhưng bù lại chế độ, quyền lợi của công nhân luôn đảm bảo nên anh đã gắn bó lâu dài. Tuổi thanh xuân của anh Thắng gần như dành cho vùng đất mỏ, tại đây anh đã bén duyên với vợ mình, chị đang là giáo viên ở huyện Pác Nặm, 2 vợ chồng tuy xa nhau nhưng luôn gắn bó, thường xuyên chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống.

Là những người trực tiếp khai thác đưa quặng từ lòng đất lên mặt đất có lẽ chẳng dễ dàng gì, thợ mỏ phải nắm bắt quy trình, nguyên tắc trong khai thác, đánh giá được vị trí nào có hàm lượng quặng cao mới tiến hành khoan, nổ mìn, bởi thực tế trong lòng mỏ nhiều vị trí địa hình phức tạp, có chỗ phải dùng thang chống mới khoan, đục được, những lúc như vậy người thợ mỏ phải kỹ càng, sâu sát, không lơ là, chủ quan. Quá trình đưa quặng lên mặt đất, người ở dưới mỏ và người vận hành máy phải phối hợp nhịp nhàng, khi goòng quặng đầy phải phát tín hiệu để tời quặng ra khỏi mỏ. Công việc có những yếu tố đặc thù nên đòi hỏi người lao động phải có thể trạng tốt, bản lĩnh và nghiêm túc thì mới có thể trụ vững với nghề.

Khoảng hơn 11h trưa, tổ khai thác tan ca, ai nấy đều khá thấm mệt. Sau vệ sinh cá nhân, công nhân tập trung ăn trưa ngay tại công trường. Bữa cơm có đầy đủ rau thịt được công ty vận chuyển đến tận nơi, giờ ăn cũng là giờ nghỉ ngơi, vài ba câu chuyện thoáng qua. Khoảng 1 tiếng sau, tổ khai thác lại tiếp tục vào mỏ làm việc cho đến 15h mới hết ca. Kết thúc ca làm việc, tổ sẽ có trách nhiệm ghi chép sổ sách diễn biến của ca làm việc để bàn giao lại cho ca sau.

Bữa trưa được công ty phục vụ tại khu vực mỏ khai thác
Bữa trưa được công ty phục vụ tại khu vực mỏ khai thác.

Ông Nguyễn Đình Hoàng- Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim loại màu Bắc Kạn cho biết: "Công ty hiện có 464 công nhân, trong đó công nhân trực tiếp khai thác là 270 người, bình quân mức lương 10 triệu đồng người/tháng. Một ngày đơn vị chia ra làm 3 ca làm việc, bình quân mỗi ca khoảng 7 tiếng đồng hồ. Các anh em ở đây đều rất tích cực, chủ động trong công việc. Để quá trình khai thác diễn ra an toàn, chúng tôi luôn đặt công tác an toàn lao động lên hàng đầu, hằng tuần Ban lãnh đạo đều thay phiên nhau đi kiểm tra, thăm nắm tình hình khai thác, điều kiện sinh hoạt của công nhân để từ đó đáp ứng kịp thời nguyện vọng chính đáng của người lao động. Có phương án khắc phục, thay thế, gia cố các vị trí không đảm bảo an toàn. Đời sống công nhân được Công ty hết sức chú trọng, bữa ăn luôn đầy đủ, phục vụ tận nơi làm việc. Hằng ngày, Công ty bố trí phương tiện đưa đón công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc, đồ bảo hộ lao động luôn được bổ sung, thay mới, có chế độ bồi dưỡng độc hại. Công ty đã có lò sấy khô để sấy các thiết bị như ủng, quần áo, găng tay... vào những ngày mưa, nồm ẩm kéo dài. Những dịp lễ, Tết đều có phần thưởng, quà để động viên công nhân, tổ chức thăm hỏi ốm đau kịp thời để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài".

Chỉ một buổi quan sát quy trình làm việc tại khu vực khai thác mỏ, chúng tôi đã thấy được phần nào đời sống cũng như công việc ở đây. Có thể thấy đây là công việc không ít khó khăn và nguy hiểm, nhưng nếu như không có những người lao động cần cù, dũng cảm này thì làm sao có thể khai thác được nguồn tài nguyên quý phục vụ đất nước, đời sống con người. Đóng góp của họ, dù ít hay là nhiều thì tất cả đều rất trân trọng và đáng quý./.

Thu Trang

Xem thêm