Đồng bào Dao Đỏ đón Rằm tháng Giêng

Khi Tết Nguyên đán vừa đi qua, đồng bào dân tộc Dao Đỏ lại bắt tay chuẩn bị đón Rằm tháng Giêng với những truyền thống văn hóa đặc sắc, riêng biệt.

Hàng năm, gia đình chị Kiều đều gói bánh chưng đen vào Rằm tháng giêng.
Hằng năm, gia đình chị Kiều đều gói bánh chưng đen vào Rằm tháng Giêng.

Cũng như nhiều dân tộc khác ở tỉnh ta, những ngày này, đồng bào Dao Đỏ tất bật chuẩn bị đón Rằm tháng Giêng (15 tháng Giêng). Dù không phải chuẩn bị cầu kỳ như Tết Nguyên đán, nhưng đây cũng là một trong những ngày Tết quan trọng được bà con mong đợi.

Rằm tháng Giêng của đồng bào dân tộc Dao Đỏ tương đối đơn giản, không phải gọi thầy cúng, các gia đình tự chuẩn bị mâm cỗ để thắp hương. Cũng như dân tộc Tày, cứ đến 15 tháng Giêng sẽ gói bánh chưng hay gọi cách khác là “ăn Tết lại”, người Dao cũng vậy, bánh chưng là thứ không thể thiếu trên bàn thờ dịp Rằm tháng Giêng. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở đây, bánh chưng không phải màu xanh của lá dong, mà là bánh chưng đen, một thức quà thanh mát, mang dấu ấn đậm nét bản sắc văn hóa riêng biệt của đồng bào Dao Đỏ.

Tại nhà chị Triệu Thị Kiều ở thôn Bản Lồm, xã Nam Cường (Chợ Đồn) từ nhiều hôm trước đã chuẩn bị cho Rằm tháng Giêng, hay nói đúng hơn là làm bánh chưng đen. Bởi lẽ để có được màu đen đặc sắc ấy, bà con phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Trước đó nhiều ngày, chị Kiều đã lên rừng tìm cây “tạ phìa” (tên gọi theo tiếng Dao) mang về rửa sạch, phơi khô. Trong sự háo hức, sớm ngày 13 tháng Giêng cả nhà tỉ mẩn thực hiện các bước làm bánh phức tạp. Cây tạ phìa đã phơi khô được đốt trong chậu sạch để lấy tro, đây là nguyên liệu không thể thiếu để có món bánh chưng đen. Tro nguội, chồng chị Kiều cẩn thận mang vào chiếc cối đá to, giã cho thật mịn. Khi tro lọt qua được kẽ tay sẽ mang trộn với gạo nếp nương, sau đó tiếp tục cho gạo và tro đã trộn vào cối giã. Nhịp chày lên xuống đều đặn, hạt gạo nương trắng tròn dần chuyển sang màu đen, lúc này, chị Kiều thoăn thoắt vớt lên, dẻo tay sàng lại gạo cho thật sạch.

Phía trong bếp, mẹ chị Kiều cũng đang bận rộn làm nhân bánh, cũng là đỗ và thịt, nhưng không phải đỗ xanh mà là đỗ “nho nhe”, gọi theo tiếng Dao là “tộp lẩu”. Loại đỗ này được gia đình chị trồng xen ở nương ngô, có dạng dây leo, đến khi thu hoạch cũng nhặt hạt như đỗ xanh. Đỗ nho nhe có màu nâu bình dị, thường được bà con đồ xôi, làm bánh và có hương vị thơm, ngon riêng biệt. Sớm nay, sau khi nấu đỗ, thái thịt, bà không để riêng ra mà cho cả hai lên chiếc chảo gang to, đảo đều, đến khi có mùi thơm của mỡ lợn ta cũng là lúc đỗ và thịt đã quyện lại với nhau, mềm mịn, hấp dẫn.

Khi gạo đen và nhân bánh đã chuẩn bị xong, hai người phụ nữ khéo tay tỉ mẩn gói bánh. Bánh được gói dạng bánh gù, buộc ba lạt theo đúng đặc trưng của đồng bào Dao. Liên tay gói bánh, chị Kiều rộn ràng: Ngày xưa các cụ bảo bánh chưng ngày Tết âm lịch ăn nhanh hết lắm, đến ngày Rằm tháng Giêng lại làm tiếp vì vẫn còn thịt lợn, gạo nếp, làm bánh để mang đi nương, nương rất xa, có khi ở mấy ngày mới về. Nhưng ăn nhiều bánh chưng rất dễ ngấy, nóng cổ vậy là người Dao Đỏ làm bánh chưng đen. Bánh này vẫn dẻo thơm, ngon ngậy nhưng không bị nóng. Từ ngày tôi còn bé, năm nào cũng ngóng đến Rằm tháng Giêng để được ăn bánh chưng đen, giờ lại đến lượt các con tôi cũng vậy. Không chỉ gia đình tôi, hầu hết nhà nào trong thôn cũng duy trì thói quen này.

Những chiếc bánh đẹp mắt hoàn thành sẽ được để qua đêm, sớm hôm sau bắc lên bếp hồng đượm, luộc thật lâu. Bởi lẽ bánh chưng đen càng được luộc trong thời gian dài thì bánh càng dẻo, không lo bị nát. Khi chín hạt gạo có màu xám đen, bánh có vị thanh mát, có mùi thơm của đỗ nho nhe, hương vị đặc trưng của thịt treo gác bếp, vị thanh lạ của gạo trộn tro cây tạ phìa; tất cả hòa quyện, khiến người thưởng thức không khỏi thương mến, trân quý tấm lòng người làm ra.

Ngay sau khi vớt bánh, ngày 14 tháng Giêng, bánh chưng đen sẽ được đưa lên bàn thờ để thắp hương cùng với bánh kẹo, hoa quả. Đến ngày Rằm, gia chủ thắp hương, mời tổ tiên về đón tết, thông báo từ nay hết thời gian vui chơi, cả nhà tập trung làm việc, mong các thần linh và tổ tiên phù hộ cho sức khỏe dồi dào, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… Sau đó, mỗi nhà đều mang thủ lợn, chân giò treo trên gác bếp xuống làm món thịt nhừ chuẩn bị đón khách. Bởi lẽ, hôm nay, nhà nào cũng tưng bừng, rộn rã, làm cơm, bày rượu đón khách đến chơi nhà, thật là vui như ngày Tết.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Rằm tháng Giêng không còn những mâm cỗ đông đúc, dù vậy trong nhà của nhiều người Dao Đỏ tỉnh ta, bánh chưng đen vẫn đầy trong rổ, món thịt nhừ nấu gừng vẫn không thể thiếu trong mâm cơm ngày 15 tháng Giêng… Những điều tưởng như đơn giản ấy vẫn đang tiếp tục được trân trọng, lưu giữ trong tâm thức của mỗi người con của núi rừng./.

Bích Phượng

Xem thêm