Măng khô - đặc sản vùng núi Bắc Kạn

Từ nguồn măng tươi sẵn có ở địa phương, hiện nay một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đầu tư chế biến sâu, cho ra nhiều sản phẩm măng khô chất lượng cao, được người tiêu dùng đón nhận. Qua đó từng bước xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ, đem lại giá trị kinh tế cao.

Sản xuất măng khô nứa tép là nghề thủ công truyền thống của đông đảo người dân trên địa bàn xã Mai Lạp (Chợ Mới). Đến mùa thu hoạch măng, bà con lại lên rừng khai thác, đem về sơ chế. Ông Hà Văn Đạt ở thôn Bản Pá cho biết: Thời gian thu hoạch măng nứa tươi chính vụ thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 8, hoặc có những năm thời tiết mưa nhiều thì bà con đi hái sớm hơn. Trước kia, nhiều hộ còn làm lán trong rừng để lấy măng, bóc vỏ già, luộc kỹ rồi mới đem về phơi. Giờ đường đi lại dễ dàng, hơn nữa lại có hợp tác xã thu mua măng tươi nên giúp bà con có thu nhập tại chỗ.

Tìm đến Hợp tác xã măng khô Mai Lạp, chúng tôi được chị Nông Thị Xuyến- Giám đốc Hợp tác xã giới thiệu tỉ mỉ quy trình làm măng khô thủ công. Sau khi thu mua măng tươi của bà con, các thành viên tiến hành sơ chế với các công đoạn như: Cắt, thái, luộc kỹ trong nhiều giờ. Đặc biệt tận dụng tối đa ánh nắng tự nhiên để phơi, giúp cho măng có màu vàng sậm đẹp mắt, mùi thơm đặc trưng. Sản phẩm hoàn toàn không sử dụng phẩm màu hay chất bảo quản. Thông thường, cứ khoảng 18 – 20kg măng tươi sẽ thu về 1kg măng khô. Sản phẩm của Hợp tác xã hiện đã có bao bì, tem nhãn, mã vạch, đủ điều kiện để đưa vào các gian hàng nông sản sạch hay hệ thống siêu thị. Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã sản xuất được trên 1 tấn măng khô, giá bán lẻ từ 320 – 350.000 đồng/kg.

Măng nứa được sơ chế rồi đưa vào sấy khô.
Măng nứa được sơ chế rồi đưa vào sấy khô.

Sản phẩm măng khô của Hợp tác xã Đại Hà (xã Quang Thuận, Bạch Thông) hiện được phân phối đi nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Hợp tác xã có 2 sản phẩm chính là măng nứa tép sấy khô Sato và măng nứa ngộ sấy khô Sato. Anh Bùi Văn Tô- Tổ trưởng Tổ hợp tác chế biến măng cho biết: Măng nứa ngộ dày thịt hơn, khi chế biến có vị rất lạ, hợp với người yêu thích món ăn đậm đà. Măng nứa tép thì mỏng hơn nhưng rất giòn, mùi thơm nhẹ. Mỗi năm, Hợp tác xã thu mua khoảng hơn 10 tấn măng tươi cho bà con.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2019 Hợp tác xã Đại Hà đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy sấy đa năng. Đầu năm 2020, dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng, Hợp tác xã được hỗ trợ lắp đặt 2 máy sấy đảo chiều gió trị giá 500 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 250 triệu đồng, còn lại do các thành viên đối ứng. Những ngày cao điểm, máy hoạt động tối đa công suất sấy khoảng 600kg măng/ngày, sản phẩm màu sắc tự nhiên, đẹp mắt.

Sản phẩm măng nứa của Hợp tác xã Đại Hà được phân phối đi nhiều tỉnh thành
Sản phẩm măng nứa của Hợp tác xã Đại Hà được phân phối đi nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Lâu nay, các loại măng nứa, luồng, mạy puốc, mạy thốc... là lâm sản phụ mà bà con nhiều nơi trong tỉnh thường khai thác, chế biến thành nông sản địa phương. Để đem lại hiệu quả kinh tế, một số hợp tác xã đầu tư chế biến sâu sản phẩm măng khô như: Hợp tác xã Yến Dương (Ba Bể); Hợp tác xã Cao Phong (Chợ Đồn); Hợp tác xã Hương rừng (Na Rì)... Một số sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đạt chất lượng 3 sao OCOP cấp tỉnh.

Chị Ma Thị Ninh- Giám đốc HTX Yến Dương cho biết: Trên địa bàn xã có khoảng 55ha rừng trúc, nứa. Đến mùa măng, bà con vào rừng hái măng để cung cấp cho Hợp tác xã. Với giá thu mua trung bình là 10.000 đồng/kg măng tươi, nhiều hộ có thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày. Để khai thác lâu dài, bà con đã biết giữ lại một số ngọn măng cho phát triển thành khóm lớn, tích cực bảo vệ rừng, tạo sinh kế bền vững. Sản phẩm măng mạy thốc của Hợp tác xã sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, dịp Tết không đủ cung ứng cho thị trường.

Măng khô là một trong những món ăn, đặc sản của Bắc Kạn. Việc các hợp tác xã đưa vào chế biến, xây dựng thương hiệu giúp cho giá trị sản phẩm ngày càng được nâng lên, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế ở địa phương, đem lại giá trị kinh tế cho người dân./.

Thu Hường

Xem thêm