Sử dụng công nghệ số hiệu quả trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa

Dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp, việc di chuyển, vận chuyển hàng hóa bị hạn chế thì doanh nghiệp, nhà sản xuất, hộ kinh doanh và người tiêu dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể thực hiện các giao dịch mua bán dễ dàng. Công cụ này đã và đang được phụ nữ Bắc Kạn ứng dụng hiệu quả trong việc tiêu thụ sản phẩm.  

Dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp, việc di chuyển, vận chuyển hàng hóa bị hạn chế thì doanh nghiệp, nhà sản xuất, hộ kinh doanh và người tiêu dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể thực hiện các giao dịch mua bán dễ dàng. Công cụ này đã và đang được phụ nữ Bắc Kạn ứng dụng hiệu quả trong việc tiêu thụ sản phẩm.  

Chị Lê Thị Hương- Giám đốc HTX nông sản công nghệ cao BK Foods livestream bán sản phẩm.
Chị Lê Thị Hương- Giám đốc HTX nông sản công nghệ cao BK Foods livestream bán sản phẩm.

Hợp tác xã nông sản công nghệ cao BK Foods tại thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận (Bạch Thông) với ngành nghề chính là sản xuất, sấy các sản phẩm nông sản sẵn có trên địa bàn như: Măng, chuối, mác mật, giảo cổ lam… Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ, quảng bá sản phẩm theo phương thức truyền thống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Hợp tác xã đã sử dụng công nghệ số giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường bằng cách lập fanpage, zalo, facebook, lazada, shopee, livestream hằng ngày… Nhờ đó, lượng khách mua hàng có ở khắp nơi, tiêu thụ tương đối dễ dàng. Bình quân mỗi ngày HTX thu mua 1 - 3 tấn măng tươi, chuối tây của bà con các xã Dương Phong, Quang Thuận để sấy, đóng gói.

Chị Lê Thị Hương- Giám đốc HTX nông sản công nghệ cao BK Foods cho biết: Có những tuần chúng tôi chạy quảng cáo liên tục để tăng lượng tương tác, tìm kiếm được nhiều nguồn khách hàng hơn. Bán hàng online là kênh bán hàng hiệu quả nhất trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Mỗi tuần các trang mạng xã hội đều tăng lượng tương tác khi mặt hàng của HTX sản xuất phù hợp với nhu cầu hàng ngày của khách hàng hoặc khách hàng đánh giá tốt, giới thiệu cho nhau. Mặc dù mới thành lập gần năm nay nhưng thông qua công nghệ số sản phẩm của HTX đã có mặt tại 35 tỉnh, thành phố.

Các sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã Yến Dương (Ba Bể) gồm bí thơm, trà bí thơm, gạo Nếp Tài, miến dong cơ bản đã đạt OCOP 3 sao. Để tăng doanh thu, tạo thêm nhiều việc làm cho thành viên và nông dân liên kết, HTX đã chủ động xây dựng website, trang facebook để giới thiệu sản phẩm. HTX thường xuyên đăng ảnh, quay video về quy trình sản xuất để người tiêu dùng tin tưởng. Chị Ma Thị Ninh- Giám đốc HTX Yến Dương chia sẻ: Thông qua các trang mạng xã hội, các sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến và tin dùng. Thao tác đặt hàng đơn giản, chỉ cần địa chỉ, số điện thoại và số lượng sản phẩm, HTX sẽ giao cho đơn vị vận chuyển đưa đến khách hàng trong thời gian sớm nhất. Nhờ sử dụng công nghệ số, sản lượng hàng hóa của HTX sản xuất ngày càng ổn định. Đồng thời, HTX luôn tiếp thu những ý kiến góp ý của khách hàng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.

Không riêng các sản phẩm của HTX sử dụng công nghệ số mà nhiều chị em trên địa bàn tỉnh đã tự tay làm các sản phẩm homemade bán trên trang facebook cá nhân như bánh bao, bánh trung thu, đồ ăn chín, các loại nước ép từ hoa quả, chè… Nhiều người coi đây là nghề chính để gắn bó lâu dài, dành nhiều thời gian, tâm huyết phát triển, xây dựng thương hiệu với lượng khách hàng ổn định.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều người dân hạn chế đến các cửa hàng để mua trực tiếp hoặc chỗ đông người như chợ, siêu thị… Vì vậy, thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các trang mua bán trực tuyến đã giúp cho chị em phụ nữ bán được nhiều hàng hóa, người tiêu dùng thì mua được những sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng. Bên cạnh đó, các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP tiếp cận khách hàng dễ dàng với nhiều đối tượng trên phạm vi rộng. Trên cơ sở đánh giá các lợi ích từ sử dụng công nghệ số, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (LHPN) đã tổ chức nhiều lớp tập huấn sử dụng internet cho cán bộ, hội viên phụ nữ, giúp chị em nâng cao kiến thức, kỹ năng để tiếp cận, biết cách phát triển kinh doanh thông qua nền tảng công nghệ số, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, từng bước xây dựng sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Đồng chí Hoàng Thị Ngân- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Sử dụng công nghệ số được chị em phụ nữ từ nông thôn đến thành thị phát huy hiệu quả, việc mua, bán hàng thuận lợi hơn. Đơn cử như gia đình trồng được luống rau ăn không hết, nhà nuôi nhiều gà, vịt... thì có thể đăng bán trên facebook. Nhiều người biết, đăng ký mua dễ dàng, tiết kiệm thời gian và hạn chế được sự lây lan dịch bệnh. Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến. Đây là cơ hội để hợp tác xã, tổ hợp tác và chị em tiếp cận với chuyển đổi số. Vì vậy, Hội LHPN tỉnh tiếp tục thăm nắm nhu cầu của hội viên để tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ về kỹ năng sử dụng mạng xã hội để tăng doanh số, tương tác. Trong đó, một giải pháp quan trọng là chị em cần phải tìm ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình, từ đó tập trung nghiên cứu và phát triển sản phẩm phù hợp với thị hiếu của thị trường./.

Hà Nhung

Xem thêm