Áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, doanh nghiệp, HTX đóng vai trò quyết định khâu sản xuất, chế biến, đặc biệt là chế biến sâu, vận dụng công nghệ tiên tiến và cơ giới hóa trong sản xuất.

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, doanh nghiệp, HTX đóng vai trò quyết định khâu sản xuất, chế biến, đặc biệt là chế biến sâu, vận dụng công nghệ tiên tiến và cơ giới hóa trong sản xuất.

Là doanh nghiệp có tiếng trên địa bàn thành phố Bắc Kạn với hơn 10 sản phẩm được chiết xuất từ củ nghệ, trong đó nhiều sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; xếp hạng sản phẩm đạt 4 sao OCOP; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; top 10 sản phẩm - dịch vụ chất lượng tiêu biểu ASEAN; thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam; top 20 sản phẩm chất lượng vàng vì quyền lợi người tiêu dùng; top 10 thương hiệu - nhãn hiệu độc quyền uy tín; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhóm sản phẩm Vicumax nano curcumin; sản phẩm trà thảo dược giảo cổ lam núi đá; hàng Việt Nam chất lượng cao…

Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà một trong những doanh nghiệp đầu tư lớn cho dây chuyền sản xuất hiện đại ở thành phố Bắc Kạn. (Trong ảnh: Dàn máy tự động đóng tuýp của Công ty cổ phần Bắc Hà)
Dàn máy tự động đóng tuýp của Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà.

Bà Nguyễn Thị Lê- Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà cho biết: Đến nay, tổng mức đầu tư của Công ty đã lên tới 30 tỷ đồng, trong đó 10 tỷ đầu tư trang thiết bị máy móc tự động đóng tuýp, dây chuyền đóng viên nang, dây chuyền đóng bột, máy đóng túi, máy dán decan tem, nhãn tự động, hệ thống RO, máy AHU… còn lại đầu tư xây dựng hạ tầng. Hiện nay, ngoài việc tập trung nâng cấp cho các sản phẩm OCOP, Công ty cũng hướng mạnh đến sàn giao dịch điện tử để quảng bá, tiếp cận các đối tác trên khắp thế giới, quản lý tốt thông tin dịch vụ và giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chất lượng tốt sẽ chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Đồng thời, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ và thay đổi phương thức kinh doanh theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, cải tiến công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trên địa bàn thành phố Bắc Kạn có nhiều hợp tác xã đang tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh- Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành cho biết: Để nâng cao chất lượng sản phẩm từ củ nghệ, HTX tiếp tục đầu tư máy sấy công nghiệp loại lớn và 12 máy móc thiết bị khác theo hướng an toàn, khép kín và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ động thiết kế bao bì cho các dòng sản phẩm. HTX đã nâng công suất chế biến lên 2.500 tấn nghệ tươi; mỗi năm sản xuất trên 37 tấn tinh bột nghệ; trên 250 tấn nghệ sấy lát… Doanh thu năm 2020 đạt trên 13 tỷ đồng, thu nhập của thành viên từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm cho khoảng 50 lao động thời vụ, với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng.

Đồng chí Phạm Ngọc Thịnh- Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố chia sẻ: Một hộ cá thể không thể bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, máy móc, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như đầu tư chế biến sâu. Doanh nghiệp, HTX phải là chủ thể trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và tham gia trực tiếp, đóng vai trò quyết định trong sản xuất, chế biến, chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm đáp ứng thị trường. Từ thực tế trên, có thể khẳng định vai trò quan trọng, cầu nối trong tiếp thu, hướng dẫn ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hạn chế của doanh nghiệp, HTX trên địa bàn thành phố Bắc Kạn hiện nay là thiếu quỹ đất để mở rộng nhà xưởng; vốn đầu tư thấp, ít vốn quay vòng; sản phẩm hàng hóa số lượng còn hạn chế; việc chế biến sâu để nâng cao giá trị chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương…/.

Tùng Vân

Xem thêm