Đẩy mạnh phát triển cây dược liệu

Thời gian qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để triển khai thực hiện nhiều dự án bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Đây là cơ sở, tiền đề để các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất, chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hoá.

HTX dược liệu Bảo Châu liên kết trồng giảo cổ lam với đối tác ở Hà Nội
HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu liên kết trồng giảo cổ lam với doanh nghiệp tại Hà Nội.

Năm 2016, tỉnh phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên triển khai thực hiện Dự án “Nghiên cứu phát triển trồng dược liệu tỉnh Bắc Kạn”. Theo đó, các tổ chức, cá nhân như: HTX Thắng Lợi (xã Bình Văn, Chợ Mới), HTX Đông Nam Dược (xã Hà Vị, nay là xã Quân Hà, Bạch Thông), các hộ gia đình ở xã Hoà Mục, Cao Kỳ (Chợ Mới) tham gia Dự án và được hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật. Dự án đã trồng được 14ha cây dược liệu các loại như: Ba kích tím, hà thủ ô đỏ, dong riềng đỏ, hoài sơn, đẳng sâm, ban lá dính… Dự án được đánh giá bước đầu đem lại hiệu quả trong việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thống nhất hỗ trợ 2 HTX xây dựng hệ thống nhà xưởng chế biến dược liệu; chính quyền các địa phương cần chủ động nhân rộng các mô hình đã phát huy hiệu quả.

Cũng trong năm 2016, thực hiện nội dung đề tài “Nghiên cứu trồng và chế biến cây giảo cổ lam tại tỉnh Bắc Kạn", Sở KH&CN đã phối hợp với Đại học Nông lâm Thái Nguyên trồng thử nghiệm 2.000m2 cây giảo cổ lam tại thôn Nặm Dài, xã Nam Mẫu (Ba Bể) tại các khe nước, vùng đất có độ ẩm cao. Sau một năm thực hiện, cây phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại đây và được người dân ủng hộ. Việc trồng thành công cây giảo cổ lam mở ra cơ hội cho người dân trong thôn tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững, vì công dụng của cây giảo cổ lam không những là vị thuốc chữa bệnh mà còn là loại rau sạch được ưa thích.

Năm 2017, với định hướng bảo tồn và phát triển cây dược liệu, huyện Bạch Thông tiếp tục thực hiện mô hình trồng cây ba kích với diện tích 1ha. Huyện Chợ Đồn triển khai mô hình trồng và chế biến cây giảo cổ lam tại xã Phương Viên với tổng diện tích 0,4ha. Tiếp đó, các mô hình trồng cây dược liệu như ba kích, cây chè hoa vàng… đã mở rộng ra các xã Bình Trung, Ngọc Phái, Nghĩa Tá (Chợ Đồn). Huyện Ba Bể phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tỉnh đang triển khai xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây đinh lăng lá nhỏ tại xã Hà Hiệu và Cao Trĩ với diện tích khoảng 2ha… Sản phẩm của các dự án hầu hết chưa được chế biến thành dạng tinh mà chỉ bán ở dạng thô. Riêng HTX Đông Nam Dược thì sử dụng trực tiếp vào việc chữa bệnh cho bệnh nhân.

Quy mô nhất là HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu, xã Văn Lang (Na Rì). HTX bắt đầu hoạt động năm 2016 và tập trung phát triển cây dược liệu cà gai leo, chế biến thành trà từ sản phẩm này. Sau đó, nhận thấy nhiều loại dược liệu mọc tự nhiên ở địa phương, anh Hoàng Văn Luân- Giám đốc Hợp tác xã đã tìm hiểu nhân giống để mở rộng dần diện tích trồng. Sau đó, tiếp tục được chế biến, chứng nhận sản phẩm dược liệu đạt tiêu chuẩn OCOP. Đến nay, các sản phẩm của HTX đã được in nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, được thị trường cả nước biết tới. Ngoài ra, HTX còn sản xuất một số sản phẩm dược liệu khác như: Ba kích, giảo cổ lam, nấm ngọc cẩu… Thu nhập từ hoạt động sản xuất, chế biến đảm bảo ổn định, bền vững cho nhiều thành viên HTX vì thực tế giá trị của cây dược liệu cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác. Tới đây, HTX tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng nhà xưởng, xây dựng kho bãi, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, gieo ươm nhân giống để bà con trong vùng cùng tham gia trồng, nhằm liên kết xây dựng vùng nguyên liệu.

Sản phẩm của HTX dược liệu Bảo Châu đã được bán ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước
Sản phẩm của HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu được bán ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thực tế cho thấy, nhiều dự án bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh đều cho kết quả khả quan, kỹ thuật trồng không quá phức tạp, mức đầu tư hợp lý, năng suất, sản lượng đạt khá. Do vậy, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Bắc Kạn, việc phát triển đa dạng các loại cây dược liệu là thuận lợi, giúp người dân phát huy thế mạnh đồi, rừng, nâng cao ý thức trong việc bảo tồn nguồn dược liệu quý hiếm, mở ra hướng đi mới, đa dạng nguồn thu nhập.

Từ những kết quả ban đầu cùng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đã đề ra mục tiêu cụ thể là bảo tồn, phát triển và khai thác có hiệu quả nguồn dược liệu từ tự nhiên; trồng mới 550ha dược liệu có liên kết vùng nguyên liệu và sơ chế, chế biến.

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, vấn đề mấu chốt đặt ra hiện nay cần được các cấp, các ngành chức năng quan tâm giải quyết đó là đầu ra cho sản phẩm và nhu cầu hỗ trợ về vốn để sản xuất, đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị. Giải quyết được vấn đề này, chắc chắn phát triển kinh tế từ bảo tồn, trồng và chế biến dược liệu sẽ mang lại hiệu quả cao, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống Nhân dân./.

Phan Quý

Xem thêm