Ngành Giáo dục & Đào tạo Bắc Kạn tích cực chuyển đổi số

Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng phê duyệt Giáo dục và Y tế là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của giáo dục và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng.

Với giáo án điện tử được thiết kế và trình chiếu trên thiết bị điện tử khiến giờ học của học sinh thêm sinh động, dễ tiếp thu hơn.
Một giờ học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Sông Cầu, TPBK

Với giáo án điện tử được thiết kế và trình chiếu trên thiết bị điện tử khiến giờ học của học sinh thêm sinh động, dễ tiếp thu hơn.

Trong ảnh: Tiết học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn

Đón đầu trong công cuộc chuyển đổi số, trong nhiều năm qua (từ năm 2010 đến nay) ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ, mang lại hiệu quả tích cực. Ngành đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp (VNPT, Viettel...) hỗ trợ triển khai cập nhập cơ sở dữ liệu và sử dụng thí điểm hệ sinh thái giáo dục vnEdu của tập đoàn VNPT.

Đến thời điểm hiện tại, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành cho phép thực hiện việc quản lý giáo viên, học sinh, phân công giảng dạy, quản lý kết quả học tập và in sổ điểm, sổ học bạ học sinh... thay vì phải làm thủ công như trước đây.

Xây dựng các ứng dụng trên thiết bị thông minh cho giáo viên; phụ huynh; quản lý các kỳ thi; xét tốt nghiệp THCS; kết quả tốt nghiệp THPT; quản lý giáo án và giáo án điện tử; tuyển sinh đầu cấp; học và thi trực tuyến; điểm danh thông minh…đã được áp dụng thực hiện trong các nhà trường. Hiện nay, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã khai thác và sử dụng đồng bộ chức năng cơ bản hỗ trợ quản lý nhà trường.

Ông Hoàng Văn Phác, Hiệu trưởng Trường THPT Phủ Thông (Bạch Thông) cho biết: “Trên cơ sở sự chỉ đạo, hướng dẫn của ngành về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý điều hành và chuyên môn, trường đã nhanh chóng nắm bắt và chủ động triển khai các ứng dụng, phần mềm đem lại sự hiệu quả tích cực. Toàn bộ cơ sở dữ liệu được cập nhật, lưu trữ có hệ thống. Công tác quản lý giáo án, học bạ học sinh được thuận lợi. Việc đăng ký tuyển sinh đầu cấp được triển khai trực tuyến, nền tảng dạy trực tuyến được triển khai tới tất cả giáo viên, học sinh…Trong thời gian tới, trường tiếp tục triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, quản lý chuyên môn, coi đó là nhiệm vụ quan trọng, tập trung thực hiện”.

Công nghệ thông tin còn giúp nâng cao hiệu quả Kiểm định chất lượng giáo dục trực tuyến trong toàn ngành. Ngành Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn là đơn vị đầu tiên trong cả nước đề xuất việc đưa vào thực hiện đồng bộ từ cơ sở dữ liệu của địa phương sang cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hệ thống cơ sở dữ liệu của các trường phổ thông được cập nhật khá đầy đủ phục vụ công tác quản lý điều hành hoạt động chuyên môn
Hệ thống cơ sở dữ liệu của các trường phổ thông được cập nhật khá đầy đủ phục vụ công tác quản lý điều hành hoạt động chuyên môn

Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo đã và đang ứng dụng tốt phần mềm quản lý và điều hành văn bản trong công tác chỉ đạo và điều hành. Hệ thống email công vụ phần mềm một cửa điện tử được vận hành, khai thác tốt trong công tác tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính; bên cạnh các phần mềm chuyên ngành khác được triển khai sử dụng hiệu quả như: phổ cập giáo dục, xoá mù chữ…

Ngành đã chủ động chỉ đạo các cơ sở giáo dục sử dụng hiệu quả các nền tảng dạy học trực tuyến như: Zoom, Google Meet, VnEdu LMS, K12 online… tạo và cấp 100% tài khoản Microsoft Teams cho toàn bộ học sinh và giáo viên trên toàn tỉnh nên việc dạy online khi dịch bệnh xảy ra trong thời gian trước đây của các nhà trường được tổ chức kịp thời.

Ông Đàm Ngọc Hùng, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo, thành viên tổ giúp việc chuyển đổi số của tỉnh cho biết: “Việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian qua của ngành Giáo dục và Đào tạo đã phát huy hiệu quả tích cực hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo, quản lý điều hành, hoạt động chuyên môn, được Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh đánh giá cao. Hiện nay cơ sở dữ liệu của ngành tương đối đầy đủ và được quản lý tập trung thuận lợi trong quá trình thực hiện chuyển đổi số”.

Thực hiện sự chỉ đạo về công tác chuyển đổi số của tỉnh, vừa qua Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số của ngành giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra đó là: Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học, đổi mới mô hình dạy-học, phát triển khi học liệu chia sẻ dùng chung, triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý giáo dục và đào tạo, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức, đào tạo bổi dưỡng năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên... Kế hoạch được triển khai đồng bộ, hiệu quả sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động trong toàn ngành.

Phương Thảo

 

 

 

Xem thêm