Chợ Đồn: Tập trung chuyển đổi số

Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 26/4/2022 về việc phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Chợ Đồn đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch chuyển đổi số với các hạng mục: Hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số theo lộ trình.

Công chức xã Phương Viên sử lý công việc trên hệ thống
Hiện nay, tỷ lệ cán bộ, công chức trên địa bàn sử dụng thư điện tử công vụ thường xuyên đạt trên 85%.

Thời gian qua, huyện Chợ Đồn đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn hướng đến thực hiện có hiệu quả Đề án chuyển đổi số trên địa bàn huyện. Cụ thể, huyện đã triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến các cấp giúp tiết kiệm thời gian, chi phí tổ chức, đối tượng tham gia. Tăng cường sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành giúp việc chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo thuận lợi. Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác chuyên môn đối với từng lĩnh vực.

Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức toàn huyện đã được trang bị máy tính; tỷ lệ máy tính kết nối internet đạt 100% (trừ máy tính bảo mật); tỷ lệ biết sử dụng và sử dụng thành thạo máy tính trong công tác chuyên môn đạt gần 100%; tỷ lệ văn bản trao đổi dưới dạng điện tử được ký số theo quy định đạt khoảng 90%; 100% cán bộ, công chức, viên chức đều được cấp thư điện tử công vụ, tỷ lệ sử dụng thường xuyên đạt trên 85%. 

Tháng 6/2022, huyện Chợ Đồn ban hành kế hoạch triển khai Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, địa phương sẽ tập trung đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền, từng bước xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, xác định người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống hiện có, thực hiện tuyên truyền về lợi ích của quá trình chuyển đổi số, ban hành và triển khai Đề án phát triển đô thị thông minh. Đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, nâng cao kỹ năng an toàn an ninh mạng. Triển khai và đánh giá thí điểm chuyển đổi số quy mô nhỏ, thí điểm quy mô lớn trên địa bàn và chuyển đổi số ở một số ngành ưu tiên như: Nông nghiệp, văn hóa, thể thao và du lịch, y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, xây dựng, giao thông vận tải, công thương....

Mục tiêu đến năm 2025, trên lĩnh vực chính quyền số phấn đấu 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hoạt động quản lý nhà nước các cơ quan từ cấp tỉnh đến xã sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số. Trên lĩnh vực phát triển kinh tế số, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%. Lĩnh vực phát triển xã hội số, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang bao phủ 100% xã, thị trấn và trên 80% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 50%; tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 30%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt trên 90%...

Ông Ma Doãn Kháng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết: “Sau khi ban hành kế hoạch, huyện đã giao cho các cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp việc, tổ chức hướng dẫn, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức để toàn thể cán bộ, chủ thể doanh nghiệp, HTX, người dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của chuyển đổi số, từ đó vận hành hợp lý, đúng với yêu cầu đặt ra”.

Có thể thấy, chuyển đổi số là một yếu tố vô cùng quan trọng, là xu thế tất yếu để giải quyết các vấn đề ở mọi lĩnh vực, song đó cũng là thách thức không hề nhỏ đòi hỏi mỗi cấp, ngành cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết “bài toán khó” vào vận hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội./.

Thu Trang

Xem thêm