Thúc đẩy chuyển đổi số

Năm 2022, bằng những mục tiêu, giải pháp cụ thể, tỉnh Bắc Kạn từng bước cụ thể hóa các quan điểm, nhiệm vụ và thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, nhằm góp phần tạo đột phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.

 

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lô Quang Tuyến cho biết: Nếu như năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch Covid- 19, thì năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Việc thực hiện phổ cập sử dụng các nền tảng số, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp lợi ích của chuyển đổi số. Bởi vậy, các cấp, ngành cần quyết tâm thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022 để thống nhất từ nhận thức đến hành động, từ đó bố trí nguồn lực triển khai các nhiệm vụ hiệu quả.

Cũng theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, về phát triển hạ tầng số, sẽ phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân. Mục tiêu đến hết năm 2022, tối thiểu 70% hộ gia đình có đường truyền internet cáp quang; phủ sóng băng rộng di động tới 100% thôn, bản; 80% hộ dân có điện thoại thông minh. Về phát triển Chính phủ số, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 50%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến phấn đấu đạt 25%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính phát sinh mới tại bộ phận một cửa cấp tỉnh từ ngày 01/6/2022, tại bộ phận một cửa cấp huyện từ ngày 01/12/2022 phấn đấu đạt 100%. Riêng kết quả số hóa thủ tục hành chính đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng phát sinh trước thời điểm nêu trên, cấp tỉnh là 50%, cấp huyện là 40%, cấp xã là 35%. Tỷ lệ báo cáo định kỳ của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến trên hệ thống thông tin báo cáo tỉnh phấn đấu đạt 50%; 40% cuộc họp của chính quyền, đoàn thể được tổ chức trực tuyến; 50% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục.

Về mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số, năm 2022 phấn đấu 60% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử và 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; 85% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch ngân hàng hoặc các hình thức được phép khác đạt từ 50%...

Để thực hiện những mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; phổ biến kỹ năng số; thúc đẩy toàn diện tất cả các phương thức thanh toán số; phát triển thương mại điện tử, thương mại số; phát triển hạ tầng số và các nền tảng quan trọng, như: Hồ sơ sức khỏe điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử… Tiến hành phổ cập danh tính điện tử toàn dân để người dân dễ dàng chứng minh danh tính thật của mình trên môi trường số. Thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn điện tử, gắn với phát triển kinh tế số, phổ cập chữ ký số…; phấn đấu 100% doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn điện tử…

Đồng thời triển khai sử dụng các phần mềm bảo vệ cơ bản, phổ cập kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin mạng cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục khai thác hiệu quả các phần mềm dùng chung trên địa bàn tỉnh; duy trì hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; tăng cường sử dụng chữ ký số; tập trung triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động phục vụ tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền…

Trong phát triển, hoàn thiện các nền tảng số, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) sẽ tập trung khai thác sử dụng các nền tảng số quốc gia (sau khi các nền tảng số được đưa vào sử dụng) để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số của tỉnh. Trong đó, chú trọng nền tảng dạy học trực tuyến (MOOCs); nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân; nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như liên lạc, giải trí, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Tập trung triển khai xây dựng một số hệ thống thông tin, CSDL các ngành và triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu số. Thúc đẩy các ngành tạo lập, xây dựng CSDL theo danh mục CSDL dùng chung được tỉnh phê duyệt... Đánh giá, hoàn thiện, nâng cấp các hệ thống thông tin, CSDL đã triển khai đảm bảo tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn hiện nay; đặc biệt là triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, CSDL hiện có, trong đó, ưu tiên để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, xác thực điện tử. Thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời triển khai mô hình đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp nhằm theo dõi, giám sát, ngăn chặn các rủi ro an toàn thông tin mạng.

Chủ động, tích cực tìm hiểu, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực cao ở trong nước và quốc tế nhằm thu hút nhiều sáng kiến, ý tưởng, nhiệm vụ về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số được triển khai tại tỉnh. Khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, thử nghiệm, đổi mới sáng tạo các công nghệ số, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số; ưu tiên các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), internet vạn vật (IoT), in 3D…./.

Anh Thúy

Xem thêm