Các trường chính trị cần tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu Học viện cần phối hợp với các trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Ngày 12/1, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác trường chính trị, trường bộ, ngành năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. 

Năm 2021, Học viện đã tham mưu thành công Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Đây là văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo bước đột phá để hệ thống trường chính trị trên cả nước nâng cao chất lượng toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. 

Ngay sau khi Quy định số 11-QĐ/TW được ban hành, Học viện đã kịp thời tổ chức tổ chức Hội nghị triển khai Quy định số 11 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo của các cơ quan Trung ương có liên quan, thường trực các tỉnh ủy, thành ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, ban giám hiệu, các trưởng, phó khoa, phòng của các trường chính trị.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh  

Cũng trong năm 2021, công tác xây dựng và hướng dẫn thực hiện chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng dược Học viện xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác trường chính trị. Ngày 21/1/2021, Giám đốc Học viện đã ban hành Quyết định số 292 về chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở gồm 1.056 tiết, 5 khối kiến thức. Chương trình được thiết kế hợp lý, khoa học, vừa có tính kế thừa chương trình cũ vừa có sự đổi mới, bảo đảm tính cơ bản, hệ thống, thực tiễn và cập nhật. Bộ giáo trình trung cấp lý luận chính trị gồm 10 cuốn được xuất bản từ tháng 8/2021. Nội dung giáo trình đã cập nhật kịp thời những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên, sau Đại hội Đảng một thời gian ngắn, đã cập nhật nội dung ở tất cả các cuốn giáo trình. 

Để kịp thời cụ thể hóa các nội dung tiêu chí trong Quy định số 11, Học viện đã hoàn thiện Bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng, gồm 5 quy chế: Quy chế đào tạo Trung cấp lý luận chính trị; Quy chế giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quy chế nghiên cứu khoa học của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quy chế quản lý hoạt động bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Quy chế được xây dựng công phu, bài bản, khoa học, từ sơ kết, đánh giá hai năm thực hiện bộ quy chế hiện hành; xây dựng dự thảo, tổ chức lấy ý kiến góp ý 63 trường chính trị trên cả nước tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc và 2 lần lấy ý kiến bằng văn bản. 

Học viện cũng đẩy mạnh quản lý hệ thống, tăng cường hoạt động hướng dẫn chuyên môn đối với các trường chính trị, trường bộ, ngành trong cả nước. Trong bối cảnh dịch COVID-19, Học viện tổ chức đào tạo trung cấp lý luận chính trị trực tuyến tại các trường bồi dưỡng cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.

Trong nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên của các trường chính trị, trường bộ, ngành, đầu năm 2021, khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, Học viện đã tổ chức thành công Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị, trường bộ, ngành lần thứ VII. Công tác tổ chức Hội thi bài bản, khoa học, có sự phối hợp hiệu quả giữa Học viện và các địa phương, đơn vị đăng cai tổ chức Hội thi. Cùng với đó, công tác bồi dưỡng cán bộ, giảng viên các trường chính trị, trường bộ, ngành đoàn thể Trung ương cũng được triển khai nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, được cán bộ, giảng viên các trường đánh giá cao.

Về phía các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường bộ, ngành, trong năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, các trường chính trị vẫn tổ chức được hơn 2,9 nghìn lớp đào tạo, bồi dưỡng với hơn 214 nghìn học viên; trong đó có hơn 1,2 nghìn lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Các trường tiếp tục đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng. Nhiều trường có quy mô bồi dưỡng lớn như: Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh với 132 lớp và hơn 15 nghìn học viên; trường Chính trị Hòa Bình với 76 lớp và hơn 4,9 nghìn học viên.. 

Đánh giá cao những thành tựu đạt được của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường bộ, ngành trong năm 2021, phát biểu kết luận Hội nghị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu, năm 2022, các đơn vị cần tiếp tục thực hiện thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh trong việc tổ chức, triển khai các mặt công tác của các trường; bảo đảm công việc không bị gián đoạn theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". 

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu kết luận Hội nghị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu kết luận Hội nghị.

Các trường chính trị cần tiếp tục quán triệt, hoàn thiện xây dựng Đề án thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW theo hướng đáp ứng các tiêu chí theo quy định và được cấp có thẩm quyền công nhận; xác định rõ những điểm nghẽn trong việc đạt được các tiêu chí Trường chính trị chuẩn để từ đó có phương hướng khắc phục; đặc biệt, xác định rõ trách nhiệm của Ban Giám hiệu, nhất là người đứng đầu, đối với việc xây dựng trường chính trị chuẩn. 

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị thường trực tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án trường chính trị chuẩn; lấy ý kiến Học viện về dự thảo Đề án trường chính trị chuẩn trước khi ban hành; thống nhất thực hiện trường chính trị là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức duy nhất ở cấp tỉnh…

Về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu, Học viện cần chủ động, tích cực chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các trường từ khâu xây dựng Đề án, tổ chức xây dựng trường chính trị chuẩn; chú trọng tổ chức các đoàn công tác làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy, kiểm tra các trường chính trị để thúc đẩy việc triển khai xây dựng trường chính trị chuẩn; hỗ trợ các trường Chính trị hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nhất là về nghiên cứu khoa học, chứng chỉ kinh điển Mác-Lênin, cao cấp lý luận chính trị, nghiệp vụ sư phạm,… thông qua các đề án lớn mang tính hệ thống như: Đề án 587 về “Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019- 2030”; Đề án 979 về "Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2026”; Đề án đào tạo giảng viên lý luận chính trị sau khi được Ban Bí thư cho chủ trương. 

“Học viện cần phối hợp với các trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới như: lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào bài giảng của giảng viên; vào nội dung các chương trình bồi dưỡng do trường xây dựng; tổ chức nghiên cứu đề tài, hội thảo khoa học về công tác này”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh. 

Nhân dịp này, một số tập thể, cá nhân của khối trường chính trị đã được tặng thưởng Cờ thi đua, Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vì đã có những thành tích xuất sắc trong năm 2021./.

Theo dangcongsan.vn

Xem thêm