Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp

Sáng nay (11/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Đinh Quang Tuyên- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại điểm cầu UBND tỉnh Bắc Kạn
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội Việt Nam phục hồi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc; ngành hàng không, du lịch đạt mức tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu cao của khách nội địa và chính sách mở cửa cho khách quốc tế từ ngày 15/3/2022; ngành xây dựng phục hồi tích cực; các ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may có mức tăng trưởng khá, đóng góp vào tăng trưởng xuất nhập khẩu nói riêng và tăng trưởng của nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, hiện nay khu vực doanh nghiệp tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cả về nguồn cung và cầu do tác động bởi dịch Covid-19, xung đột quân sự Nga – Ukraine diễn biến phức tạp, có nguy cơ kéo dài; giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao; thiếu hụt lao động; lạm phát cao ở nhiều quốc gia trên thế giới...

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng; thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022-2023 với gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng. Các bộ, ngành đã nỗ lực trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến hỗ trợ lãi suất các khoản vay, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất…

Tính đến tháng 7/2022, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm, gia hạn để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh ước khoảng 89,2 nghìn tỷ đồng. Tính đến ngày 22/7, gói hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 196,7 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 340.000 lao động.

Các hiệp hội, doanh nghiệp cũng nhận định, kết quả 7 tháng đầu năm đối với một số ngành hàng chưa đạt được như kỳ vọng, tình hình sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm dự kiến đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Giá xăng dầu, nhiên, nguyên liệu đầu vào tăng cao, gánh nặng chi phí đang bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Thiếu hụt lao động, áp lực chi phí liên quan đến người lao động. Khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh. Cung - cầu bị ảnh hưởng lớn, tình trạng thiếu linh kiện, giảm đơn hàng cuối năm đang gia tăng. Các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để. Nguy cơ tiềm ẩn từ sự phát triển tăng nóng trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp...

Kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện trong thời gian tới, như: Trước hết là kiểm soát lạm phát. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an toàn trật tự xã hội để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát lại những khó khăn vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp để giải quyết dứt điểm. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh…/.

Duy Khánh

Xem thêm