Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

Ngày 15/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự chỉ đạo và chủ trì hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Dự hội nghị tại điểm cầu Bắc Kạn có đồng chí Phương Thị Thanh- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nông Quang Nhất- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Từ năm 2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết này, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, các tỉnh trong vùng đã có sự phát triển khá mạnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng cao hơn mức trung bình của cả nước, đạt 8,15%/ năm. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 54,1 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm, đến cuối năm 2020 còn 12,76%. Tuy nhiên, đến nay vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là “vùng trũng” trong phát triển, là địa bàn khó khăn nhất của cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả để trở thành nguồn nội lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Trước yêu cầu phát triển trong thời gian tới, ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11 về “phương hướng phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi  Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Mục tiêu tổng quát mà Nghị quyết đưa ra đến năm 2030 là đưa vùng trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển xanh, bền vững và toàn diện trên cơ sở đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch; phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Tầm nhìn đến năm 2045, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trên cả nước.

Tại hội nghị này, có 9 ý kiến tham luận của đại diện các tỉnh, các bộ, ngành của trung ương, đưa ra nhiều đề xuất, nhiều biện pháp nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị trong thời gian tới. Trong đó có vấn đề quy hoạch, tư duy liên kết vùng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ban hành các cơ chế, chính sách...

Phát biểu chỉ đạo kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của hội nghị và phân tích, chỉ rõ nguyên nhân vì sao Bộ Chính trị lại ban hành Nghị quyết về phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, những ý tưởng mới, những nội dung mới của nghị quyết. Mục tiêu mà Nghị quyết đưa ra đã thể hiện rõ khát vọng, ý chí rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhất là mong muốn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng. Để biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động, đề nghị phải quán triệt thật đầy đủ ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu của nghị quyết, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Đổi mới tư duy, nhận thức, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng; xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của các địa phương. Giải quyết mối quan hệ giữa phát triển vùng với cả nước. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương để tổ chức thực hiện nghị quyết. Phải khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của người dân. Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phấn đấu các thôn/bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đều có đảng viên và chi bộ đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, ngay sau hội nghị này, căn cứ vào Nghị quyết 11 và kế hoạch thực hiện của Bộ Chính trị, các cấp, ngành ở trung ương cũng như của các địa phương trong vùng cần xây dựng kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng bộ các tỉnh sát với tình hình thực tế, có tính khả thi cao./.

PV.

Xem thêm