Bế mạc Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sau 2,5 ngày làm việc trách nhiệm, khẩn trương, tích cực, hiệu quả, Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra, cho ý kiến kết luận nhiều nội dung quan trọng.

Sẽ tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, liên quan đến công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về hai dự án luật là Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đây là hai dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại phiên thảo luận tổ và hội trường tại Kỳ họp thứ 2; đồng thời cho rằng với các dự án luật này đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tiếp tục có phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng các dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là hai nội dung lớn, khó, tác động đến nhiều đối tượng khác nhau. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về các nội dung này cùng với các dự án luật khác sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) tới. Các cơ quan hữu quan khẩn trương chuẩn bị tài liệu cũng như lấy ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – đây là hai tổ chức đại diện cho lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, bảo đảm mọi quyết sách đều lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: QH
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp. Ảnh: QH

Cũng tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý đến việc bảo đảm chất lượng dự án luật trình Quốc hội, trường hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thấy chưa đủ điều kiện thì sẽ phải lùi lại. Đây là dự án Luật quan trọng và cấp bách nên cần tập trung ưu tiên để trình đúng thời hạn.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp thu, làm rõ những vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra đã nêu để hoàn thiện dự án Luật và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 9 trước khi trình Quốc hội.

Đưa vào diện theo dõi, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vụ việc nổi cộm

Liên quan đến công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và cho ý kiến về việc lựa chọn bộ, ngành, địa phương để tiếp tục tiến hành khảo sát, nghiên cứu, phục vụ cho các mục tiêu giám sát trong thời gian tới. Đây là chuyên đề giám sát đầu tiên của Quốc hội khóa XV và cũng đề cập đến vấn đề hết sức quan trọng đó là vấn đề quy hoạch theo Luật Quy hoạch mới.

Nhấn mạnh đây là một nội dung sẽ phải báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát phải tranh thủ thời gian, lập một kế hoạch trực tiếp làm việc với các bộ, ngành cũng như lựa chọn các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện mỗi vùng, miền một địa phương để nghiên cứu, khảo sát; lưu ý cần sớm hoàn thiện báo cáo giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 01/2022.

Bên cạnh xem xét công tác dân nguyện thường kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn có nhiệm vụ giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến 01/7/2021 theo Chương trình giám sát năm 2022. Do đó, công tác dân nguyện trong tháng 3 phải bám sát cùng với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lĩnh vực này. Đồng thời, lưu ý những nội dung đang nổi lên, vấn đề được Nhân dân và cử tri đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện chủ trì để tiếp thu và hoàn thiện báo cáo này gắn với những kiến nghị, đề xuất cụ thể để gửi cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu trên cơ sở hơn 1.000 vụ việc khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ xác lập hồ sơ và trên hơn 500 vụ việc có liên quan đến trật tự, an toàn đã được Bộ Công an thống kê, giao cho Ban Dân nguyện làm đầu mối để phối hợp với các cơ quan hữu quan thống kê, lập hồ sơ và đề xuất với Đoàn giám sát chuyên đề; kiến nghị với Quốc hội đưa vào diện theo dõi của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện trong nhiệm kỳ này. Nguyên tắc là cá thể hóa trách nhiệm để có thể giải quyết dứt điểm những vụ việc nổi cộm, tồn đọng kéo dài, nhất là các vụ việc phức tạp có liên quan đến đất đai, tài nguyên, môi trường và khiếu nại đông người và không để xảy ra những vụ việc mới.

Quang cảnh Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QH
Quang cảnh Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QH 

Về dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết, đánh giá cao Văn phòng Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác trong việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định đây là một vấn đề rất quan trọng nằm trong danh mục 107 đề án và các nhiệm vụ lớn để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết 161 của Quốc hội khóa XIV. Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải tiếp thu tối đa để hoàn thiện, có chất lượng cao nhất đối với dự thảo Nghị quyết này.

Ngay sau phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan hữu quan, khẩn trương ban hành kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp; đồng thời, hoàn thiện dự thảo các Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và ký ban hành.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với Báo cáo bước đầu việc thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” của Đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Đoàn giám sát cần đánh giá kỹ về chất lượng công tác quy hoạch, không vì đẩy nhanh tiến độ mà giảm chú ý đến chất lượng công tác quy hoạch.

Một số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong quá trình giám sát cũng cần quan tâm đánh giá việc xây dựng vận hành hệ thống thông tin và dữ liệu cho công tác quy hoạch quốc gia; việc điều chỉnh quy hoạch trong thực hiện quy hoạch; triển khai những mảng quy hoạch hiện có được lập trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực cũng cần có đánh giá đầy đủ; chỉ rõ các quy hoạch treo, công bố thông tin công khai như thế nào; Sử dụng giữa quy hoạch cũ và mới như thế nào cho phù hợp;… từ đó có kiến nghị cụ thể với Chính phủ và các bộ, ngành…/.

Theo dangcongsan.vn

Xem thêm