Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV: Các đại biểu thảo luận ở tổ

Chiều 06/01, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn thảo luận ở tổ.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn thảo luận ở tổ.

Cơ bản các đại biểu đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nhất trí với các dự thảo Chính phủ trình và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội. Tuy nhiên, các đại biểu có ý kiến vào một số nội dung như:

Đối với Chủ trương đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025:

Đại biểu Hoàng Văn Hữu đồng tình với phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư do Chính phủ đề xuất; tuy nhiên, cần phải có những cơ chế chính sách thỏa đáng trong quá trình giải phóng mặt bằng, trách nhiệm của người đứng đầu mỗi địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. Để các địa phương chủ động trong thực hiện các dự án, không chỉ cao tốc Bắc Nam mà cả các dự án khác, đại biểu Hoàng Văn Hữu đề nghị Quốc hội xem xét có cơ chế, chính sách về chuyển đổi mục đích rừng, đất trồng lúa cũng như những nơi dự án cao tốc phía Đông đi qua, nên phân cấp nội dung này cho HĐND tỉnh thực hiện...

Đại biểu Hà Sỹ Huân cho rằng đây là dự án quốc gia mang tính chiến lược lâu dài, việc giải phóng mặt bằng phải thực hiện với quy mô 6 làn. Đồng thời để quản lý được mặt bằng đã giải phóng được, nếu theo phương án không có làn khẩn cấp thì sẽ cắm mốc giới và giao cho chính quyền địa phương quản lý, thực tiễn sẽ phát sinh tình trạng tái lấn chiếm hoặc gây khó khăn cho chính quyền trong quản lý mốc giới. Đề nghị xem xét dành làn chờ ở giữa, còn 4 làn chạy thì ở phía ngoài, hết mốc giới giải phóng mặt bằng, khi nâng cấp thì nâng cấp vào giữa...

Đại biểu Nguyễn Thị Huế băn khoăn về việc bố trí nguồn vốn cho dự án, cần tính toán chặt chẽ bởi đây là dự án có nguồn ngân sách bố trí rất lớn. Đại biểu đề nghị có cơ chế áp dụng đối với các tỉnh miền núi khó khăn, khắc phục nguy hiểm, xử lý những điểm đen về giao thông trong chuyển mục đích sử dụng rừng. Đại biểu Nguyễn Thị Huế cho rằng tổng thể chủ trương mới chỉ nối từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau, phía Bắc chưa có tuyến để phát triển kinh tế thuận lợi. Cần thiết phải xây dựng những tuyến để vươn tới những vùng còn khó khăn để thông thương hàng hóa như Hà Giang - Tuyên Quang, Sơn La - Điện Biên, Bắc Kạn - Cao Bằng, đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm...

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân thảo luận về Chủ trương đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân thảo luận về Chủ trương đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị rà soát thật kỹ, thực hiện điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch đất quốc gia đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV. Về hướng tuyến (từ Cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau), để tuyến này phát huy hiệu quả hơn nữa, cần có đầu tư cho các tuyến đường lân cận để phát huy hiệu quả kinh tế xã hội của các tỉnh lân cận…

Đối với Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Đại biểu Hoàng Văn Hữu đề nghị Quốc hội xem xét mở rộng thí điểm đến các tỉnh đại diện cho các vùng miền như Tây Nguyên, Nam Trung bộ, miền núi phía Bắc, từ đó rút kinh nghiệm, thực hiện mở rộng để tạo đà cho các địa phương phát triển...

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng đối với Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ phải có đánh giá rất kỹ liên quan đến yếu tố bảo vệ môi trường, chế độ dòng chảy, sự tương tác giữa các yếu tố có thể xảy ra tình trạng sạt lở, xói mòn, bồi lắng bùn cát,... từ đó để thấy rõ hiệu quả kinh tế - xã hội và để cử tri yên tâm…

Sáng mai (07/01) Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội./.

N.V - Văn Lạ

Xem thêm