Ban Tổ chức Trung ương triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022

Sáng 13/01, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá công tác năm 2021; triển khai nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Trương Thị Mai- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị. 

Dự hội nghị tại điểm cầu Bắc Kạn có đồng chí Hoàng Duy Chinh- Ủy viên BCH  Trung ương Đảng,  Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn; lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy cùng các sở, ngành có liên quan.

Báo cáo và các tham luận tại Hội nghị làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế gặp phải, chia sẻ những cách làm hay, đồng thời thống nhất đề ra các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2022. Cụ thể: Ngành đã triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác tổ chức xây dựng Đảng; trong đó đã hoàn thành cơ bản tất cả các đề án, nhiệm vụ trình BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp theo chương trình, kế hoạch công tác năm 2021. Tham mưu công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp; kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và 2021 - 2026 bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, khách quan. Tham mưu đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với mức độ cao hơn, yêu cầu nghiêm khắc hơn. Kết quả tinh giản biên chế của toàn hệ thống chính trị đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, khắc phục được tình trạng tăng biên chế trong nhiều nhiệm kỳ. Một số nội dung mới, khó trong công tác cán bộ đã được toàn ngành nỗ lực tham mưu, hoàn thành góp phần từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ…

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn.

Một số hạn chế, bất cập được chỉ ra như: Hệ thống văn bản của Đảng và Nhà nước còn một số điểm chưa đồng bộ, thống nhất nhưng chậm được bổ sung, khắc phục, thể chế hóa.  Một số cấp ủy, tổ chức đảng, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ chủ trương, yêu cầu của Đảng đối với công tác tổ chức, cán bộ. Công tác kiểm tra, giám sát về tổ chức xây dựng Đảng chưa thường xuyên. Công tác dự báo, nắm tình hình chính trị nội bộ còn bất cập, khó khăn, nhất là về vấn đề liên quan đến chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên…

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 được xác định là: Tập trung tham mưu và tổ chức thực hiện 19 đề án về tổ chức xây dựng Đảng trong Chương trình làm việc của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2022 bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của toàn ngành để hoàn thiện mức cao nhất các đề án trình Hội nghị Trung ương 5 “Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên”, Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”. Tham mưu, triển khai, thực hiện tốt các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ. Kiên quyết, kiên trì tham mưu thực hiện đồng bộ 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận số 21 tại Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai- Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, dù năm 2021 có nhiều khó khăn những toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng vẫn nỗ lực hoàn thành và có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng chí cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà ngành cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời đề nghị toàn ngành cần triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết XIII của Đảng, đặc biệt là đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tập trung thực hiện đồng bộ có hiệu quả 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp, đó là: Phải tập trung tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng; tập trung xây dựng Đảng về đạo đức; đẩy mạnh xây dựng Đảng về tổ chức, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện về tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; củng cố nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên... Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, đồng chí mong muốn đội ngũ cán bộ toàn ngành cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, cùng đoàn kết thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm