Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV: Nghe tờ trình, báo cáo và thảo luận tại tổ

Chiều 21/10, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và thảo luận ở tổ về 02 dự án luật này.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
Đại biểu Nguyễn Thị Huế thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cơ bản nhất trí cao với các nội dung 02 dự án luật. Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Nguyễn Thị Huế có ý kiến về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước: Nhất trí với phương án 1. Tuy nhiên, cần được rà soát đề xuất, sửa đổi đồng bộ hơn quy định về quyền sở hữu kết quả, nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước được quy định trong các luật hiện hành như Luật Khoa học Công nghệ, Luật Chuyển giao Công nghệ…

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Nhất trí với phương án 2. Bởi phương án 1 có một số điểm chưa hợp lý như trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật: Phương án 1 có nguy cơ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm vai trò chủ động của cơ quan nhà nước trong việc phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ để duy trì trật tự công; việc giải quyết vi phạm theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự sẽ kéo dài thời gian, gây tốn kém hơn chi phí, làm giảm sức thu hút và khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh…

Đại biểu Hà Sỹ Huân thảo luận về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.
Đại biểu Hà Sỹ Huân thảo luận về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.

Đối với dự thảo Luật Cảnh sát cơ động đại biểu đề nghị nghiên cứu, cân nhắc kỹ về quy định Cảnh sát cơ động “chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”. Bởi lẽ, biện pháp vũ trang là dùng chung cho các lực lượng của Công an, chứ không chỉ dùng cho lực lượng Cảnh sát cơ động. Mặt khác, Điều 22 Luật An ninh quốc gia không quy định chuyên trách đối với Cảnh sát cơ động; Luật Cảnh sát biển quy định thực hiện ở vùng biển, Luật Biên phòng quy định thực hiện ở vùng biên giới. Do đó, để tránh chồng chéo, đề nghị bỏ cụm từ “chuyên trách”.

Điều 28, dự thảo Luật Cảnh sát cơ động quy định trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh: Đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ  “thành phố trực thuộc Trung ương” cho đầy đủ và phù hợp với các luật khác hiện hành…/.

N.V - Văn Lạ

Xem thêm