Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân: Cần đặc biệt quan tâm đến Quy hoạch trọng điểm vùng lâm nghiệp

Đó là một trong những ý kiến của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tại buổi thảo luận trực tuyến sáng 30/10, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân thảo luận trực tuyến từ điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân thảo luận trực tuyến từ điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Theo đại biểu, Luật Quy hoạch 2017 được Quốc hội khóa XIV thông qua với mong muốn các quy hoạch được ban hành, được phê duyệt sẽ tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát huy hiệu quả trong khai thác và sử dụng nguồn lực của đất nước để thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Và trong mối quan hệ giữa các quy hoạch thì quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập các loại quy hoạch. Tuy nhiên hiện nay Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt trong khi các loại quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh trước đó chỉ kéo dài đến năm 2020. Chưa có quy hoạch thật khó để nói tới đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; định hướng khai thác hiệu quả hợp tác, liên kết vùng, gia tăng lợi ích lan tỏa, nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành có thế mạnh của vùng và những tồn tại, hạn chế như: không gian phát triển bị chia cắt, đầu tư còn chồng chéo, trùng lặp; chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương…

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần quyết liệt trong chỉ đạo xây dựng và trình Quốc hội quyết định các quy hoạch theo quy định của luật. Thủ tướng sớm phê duyệt các quy hoạch thuộc thẩm quyền trong đó đặc biệt quan tâm đến quy hoạch trọng điểm vùng lâm nghiệp để các ngành, địa phương đánh giá lại toàn bộ các hoạt động trong giai đoạn trước, từ công tác quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch đất lâm nghiệp đến việc triển khai những nội dung quan trọng như quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng…có cơ sở trong xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển ngành, phát triển tỉnh, phát triển vùng.

Để đảm bảo cơ cấu vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đạt được như Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ trên cơ sở rà soát trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến thu ngân sách như Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật về thuế, phí, lệ phí, đồng thời thực hiện quyết liệt, triệt để các giải pháp nhằm tập trung các khoản thu phí, lệ phí do các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước thu vào ngân sách nhà nước; khắc phục các tồn tại, bất cập trong thực hiện thu ngân sách nhà nước, đặc biệt đối với các hoạt động chuyển giá, thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh trên nền tảng số; Quỹ tài chính có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước không còn phù hợp; cân nhắc trong việc điều tiết khoản thu ngân sách Trung ương về địa phương để vừa đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương vừa đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đại biểu cho rằng, thời gian qua mạng lưới đô thị tăng nhanh về số lượng, mở rộng về quy mô đã góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống đô thị còn tồn tại bất cập: chất lượng phát triển đô thị chưa cao, hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ… tập trung quá nhiều vào các tỉnh, thành lớn. Các đô thị nhỏ và trung bình còn thiếu động lực phát triển kinh tế đô thị. Thiếu kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đô thị và nông thôn, giữa trung tâm và các khu vực mở rộng ven đô. Kết nối giữa các đô thị với chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ, logistics còn yếu… làm giảm hiệu quả kinh tế của đô thị, sức cạnh tranh khu vực và quốc tế của các đô thị lớn chưa cao.

Về nội dung này, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ việc phát triển hệ thống đô thị thời gian qua để từ đó đề xuất mục tiêu cũng như nhiệm vụ, giải pháp về cơ chế, chính sách trong cơ cấu lại không gian phát triển kinh tế cho giai đoạn 2021-2025, đây cũng là cơ sở quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, liên vùng…/.

N.V

Xem thêm