Đại biểu Hà Sỹ Huân: Cần có các giải pháp hữu hiệu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng

Tại phiên thảo luận trực tuyến về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) chiều 30/10, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV, đại biểu Hà Sỹ Huân- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã có ý kiến về nội dung này.

Đại biểu Hà Sỹ Huân thảo luận trực tuyến từ điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.
Đại biểu Hà Sỹ Huân thảo luận trực tuyến từ điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Về quy hoạch không gian sử dụng đất, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm xem xét một số nội dung sau:

Một là, đối với các tỉnh trung du và miền núi, cần ưu tiên trong việc chuyển đổi linh hoạt cơ cấu sử dụng đất trên đất lúa, đất trồng cây hằng năm, khuyến khích hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; xem xét thống nhất giữa Quy hoạch Lâm nghiệp với những quy hoạch khác, bố trí tái định cư cho người dân đang sinh sống trong vùng lõi các vườn quốc gia, khu bảo tồn; cho phép chuyển đổi một số diện tích đất đã quy hoạch rừng sản xuất sang mục đích khác để phát triển kinh tế; cho phép kết hợp sử dụng đất lâm nghiệp với mục đích thương mại, dịch vụ để hình thành các khu du lịch sinh thái vừa bảo vệ cảnh quan môi trường rừng vừa phát triển kinh tế.

Hai là, để đảm bảo tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 43% thời kỳ 2021-2030, đại biểu đề nghị cần có các giải pháp hữu hiệu trong công tác quản lý bảo vệ rừng; xử lý những tồn tại, hạn chế quản lý và sử dụng đất của các nông, lâm trường…tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân đang sinh sống tại khu vực này. Hiện nay, mức khoán quản lý bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất là 400.000đ/1ha/1 năm, dịch vụ chi trả môi trường rừng hỗ trợ từ 50.000 đồng - 100.000 đồng là rất thấp, người dân gặp rất nhiều khó khăn, chưa thực sự sống được từ rừng, chưa gắn bó với việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Vì vậy, đề nghị cần sớm tăng mức khoán và mức hỗ trợ nêu trên, đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng như Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/6/2012; có chính sách ưu đãi khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trồng cây dược liệu dưới tán rừng, bổ sung thêm cơ cấu cây trồng mới phù hợp để người dân được hưởng lợi từ những diện tích được nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng để họ có cuộc sống ổn định và gắn bó với việc quản lý, bảo vệ rừng.

Ba là, đối với các tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, thiếu mặt bằng cho việc sản xuất, xây dựng nhà ở nên người dân phải thực hiện san ủi, đào lấp đồi núi, do vậy ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và quy hoạch đất đã được phê duyệt. Thực tế ở các địa phương, khi xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ, cải tạo mặt bằng để sản xuất, các cá nhân, hộ gia đình không có điều kiện để lập dự án đầu tư xây dựng hoặc lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định. Hiện nay Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về xây dựng chưa có quy định cụ thể về việc này, đồng nghĩa với việc không có chế tài xử lý vi phạm khi người dân san ủi, đổ đất không theo quy định, phá vỡ quy hoạch, mất cảnh quan môi trường. Do đó khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước ở địa phương. Trong khi đó nhu cầu của người dân là cần thiết. Để khắc phục những vấn đề trên, đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn thực hiện nội dung này trong khi chờ sửa đổi Luật Đất đai.

Về chỉ tiêu diện tích sử dụng đất trồng lúa thời kỳ 2021-2030, đại biểu Hà Sỹ Huân cho rằng đất trồng lúa là một loại đất đặc biệt, có đặc trưng riêng, cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư lớn, trong thời gian dài. Nếu cho phép chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất này làm ảnh hưởng đến các đặc trưng cơ bản của đất lúa, ảnh hưởng đến chất lượng đất, sản lượng lúa hằng năm. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc nghiên cứu kỹ lưỡng, hạn chế việc chuyển đất trồng lúa, đặc biệt là đất chuyên trồng lúa nước sang để xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị.../.

N.V

Xem thêm