Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế

Sáng 16/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. 

Tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Phương Thị Thanh- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nông Quang Nhất- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan.

Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế ảnh 1

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn.

Theo Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, UBND 63 tỉnh, thành phố đã tập trung tổ chức rà soát các vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan hoạt động đầu tư, kinh doanh, phòng, chống dịch Covid-19 gửi về Văn phòng Chính phủ.

Kết quả rà soát kiến nghị của các địa phương do Văn phòng Chính phủ tổng hợp liên quan đến 79 luật, 03 nghị quyết của Quốc hội, 188 nghị định, 20 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 135 thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 21 bộ, cơ quan ngang bộ. Ngày 14/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1079/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay các quy định tại 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 10 bộ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ và 10 bộ có các luật liên quan rà soát, thống nhất đề xuất sửa đổi, tập trung vào các vấn đề vướng mắc nhất để tháo gỡ “rào cản”, khơi thông “điểm nghẽn” của các quy định hiện hành, trình Chính phủ cho ý kiến và thông qua dự án luật sửa đổi, bổ sung 10 luật tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021 vừa qua, để trình Quốc hội cho ý kiến.

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội xem xét thông qua 01 dự án luật và sẽ cho ý kiến 06 dự án luật tại Kỳ họp thứ hai. Trong thời gian từ sau khi được kiện toàn đến ngày 31/8, Chính phủ đã kịp thời xây dựng và ban hành 51 nghị quyết, 26 nghị định và 9 quyết định quy phạm của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có nhiều nghị quyết, nghị định trực tiếp quy định các chính sách, giải pháp phòng, chống dịch bệnh và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phát triển kinh tế.

Ngoài ra, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Chính phủ cũng trình Quốc hội nhiều báo cáo, kiến nghị để Quốc hội cho ý kiến và quyết định các giải pháp giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời đưa ra các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, xử lý những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, bảo đảm đời sống của Nhân dân, thực hiện "mục tiêu kép"...

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trên cơ sở kế thừa những thành tựu về xây dựng và hoàn thiện thể chế của các nhiệm kỳ trước, Chính phủ tiếp tục xác định công tác quan trọng này là nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế phát triển của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tuy nhiên, một số bộ ngành, địa phương chưa quan tâm tập trung chỉ đạo đúng mức, đúng tầm đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, nguồn lực đầu tư cho công tác này còn hạn chế.

Thủ tướng Chính phủ đặt ra một số yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể: Thứ nhất, người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của xây dựng và hoàn thiện thể chế. Dành thời gian, công sức thỏa đáng, ưu tiên nguồn lực về tài chính, ngân sách, cơ sở vật chất, đặc biệt tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ và bảo đảm điều kiện, chế độ, chính sách cho những người tham gia. Thứ hai, cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế. Thứ ba, làm sao để thể chế là động lực, đòn bẩy cho sự phát triển, trong đó phát huy tối đa nguồn lực con người, nguồn lực thiên nhiên và nguồn lực văn hóa, truyền thống lịch sử. Thứ tư, phải rà soát những vướng mắc của thể chế từ thực tiễn, bám sát, tôn trọng thực tiễn, mọi chính sách, pháp luật phải hướng tới người dân, doanh nghiệp, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật. Thứ năm, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với thiết kế công cụ kiểm tra giám sát, quy định trách nhiệm, cắt giảm các thủ tục hành chính.../.

Hoàng Vũ

Xem thêm