Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Hải làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông

Sáng 02/6, đồng chí Nguyễn Long Hải- Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông về chuyên đề ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Phạm Duy Hưng- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; Sở Tài chính, đại diện các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Hải phát biểu tại buổi làm việc.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Hải phát biểu tại buổi làm việc.

Thời gian qua, tỉnh đang từng bước xây dựng hệ thống CQĐT theo hướng hiện đại, mức độ quan tâm về việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ ngày càng nâng lên, góp phần quan trọng trong việc thay đổi thói quen làm việc theo phương thức hiện đại, nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết công việc, tiết kiệm thời gian, kinh phí hành chính. Đến nay, hạ tầng viễn thông đã kết nối thông suốt 3 cấp phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT của người dân, doanh nghiệp. Các hệ thống phần mềm dùng chung như: Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống thư điện tử công vụ; phần mềm "một cửa" điện tử, "một cửa" điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao...  được duy trì hoạt động tại tất cả các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã góp phần nâng cao một bậc hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Nhà nước, tạo nên tư duy, thói quen làm việc mới, hiện đại cho cán bộ, công chức của tỉnh.

Ứng dụng CNTT do tỉnh triển khai từng bước được người dân, doanh nghiệp trực tiếp khai thác, sử dụng thông qua việc tìm kiếm thông tin, văn bản trên các trang, cổng TTĐT; nộp hồ sơ giải quyết TTHC trực tuyến; tra cứu tình hình xử lý hồ sơ TTHC sau khi được cơ quan Nhà nước tiếp nhận; số lượng hồ sơ nộp trực tuyến qua các DVCTT mức độ 3, 4 ngày càng tăng... Từ năm 2018 đến nay, số lượng hồ sơ TTHC được tiếp nhận và xử lý qua hệ thống "một cửa" điện tử, "một cửa" điện tử liên thông đều tăng, cụ thể: Năm 2018 tiếp nhận và xử lý 73.138 hồ sơ; năm 2019 tiếp nhận và xử lý 133.802 hồ sơ; năm 2020 tiếp nhận và xử lý 166.049 hồ sơ (năm 2020 cao hơn năm 2018 là  92.911 hồ sơ, cao hơn năm 2019 là  32.247 hồ sơ); 5 tháng đầu năm 2021 tiếp nhận và xử lý 59.234 hồ sơ (cao hơn cùng kỳ năm trước gần 8.000 hồ sơ). Tỷ lệ cung cấp Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tăng lên (năm 2016, tỉnh chưa cung cấp DVCTT; đến năm 2021, tỷ lệ cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 đạt 71,78%, trong đó mức 4 là 71,01%). Từ năm 2018 đến nay, số lượng hồ sơ phát sinh trực tuyến (bao gồm cả hồ sơ trực tuyến phát sinh trên các hệ thống triển khai theo ngành dọc) cũng tăng theo hằng năm: Năm 2018 có 7.654 hồ sơ trực tuyến; năm 2019 có 21.957 hồ sơ; năm 2020 có 32.483 hồ sơ (năm 2020 cao hơn năm 2018 là 24.829 hồ sơ, cao hơn năm 2019 là 10.526 hồ sơ); 5 tháng đầu năm 2021 có 9.784 hồ sơ, đạt tỷ lệ 16,6%.

Chỉ số CCHC do Bộ Nội vụ đánh giá, năm 2019, Bắc Kạn xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố, tiêu chí về ứng dụng CNTT đạt 6/6,75 điểm (đạt 89% điểm tối đa).  Với chỉ số mức độ ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá: Năm 2019, Bắc Kạn xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 bậc so với chỉ số xếp hạng năm 2018 (26/63) và tăng 41 bậc so với năm 2016 (57/63), so với năm 2016, các chỉ số đều tăng lên đáng kể.

Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung bàn giải pháp đầu tư nguồn lực xây dựng hệ thống chính quyền điện tử tỉnh đồng bộ, thông suốt, hình thành hệ thống chỉ đạo, điều hành hiệu quả trên không gian mạng; xây dựng hệ thống thông tin quản lý dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bắc Kạn; xây dựng hoàn thiện dữ liệu số của cơ quan Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước; đánh giá mô hình phối hợp triển khai thử nghiệm giải pháp an toàn thông tin (SOC) với Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettell, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông để đưa vào triển khai, nhân rộng tại tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất UBND tỉnh quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ, bố trí nguồn nhân lực công chức, viên chức chuyên trách về an toàn thông tin; bổ sung biên chế về ATTT cho công tác quản lý nhà nước và biên chế về ATTT, chuyển đổi số trong hoạt động sự nghiệp của Trung tâm CNTT&TT; xem xét bố trí trụ sở của Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh Bắc Kạn; xây dựng phần mềm quản lý thông tin báo chí...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Hải ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của ngành Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là lực lượng CNTT của tỉnh trong việc cơ bản đáp ứng những yêu cầu của xây dựng, phát triển chính quyền điện tử phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn của tỉnh. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, ngành Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục tăng cường tham mưu cho tỉnh trong ứng dụng và phát triển lĩnh vực CNTT phù hợp với điều kiện của tỉnh. Về mục tiêu phát triển CNTT, cần  kết hợp hài hòa giữa mô hình tập trung và phân tán, đảm bảo liên thông kết nối và an toàn, an ninh thông tin.  Đặc biệt tập trung phát triển hạ tầng CNTT, coi đây là hạ tầng thiết yếu của phát triển kinh tế xã hội. Nguồn nhân lực CNTT cần được tiếp tục quan tâm, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT trong các cơ quan Nhà nước. Trong ứng dụng CNTT, cán bộ, công chức các cơ quan Nhà nước phải nâng cao nhận thức, tích cực đi trước, làm gương... Đối với các đề xuất của Sở Thông tin và Truyền thông, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận để nghiên cứu, xem xét phù hợp.

Trước buổi làm việc với Sở TT&TT, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đi khảo sát thực tế Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh./.

Nguyễn Nga

Xem thêm