Hạ tầng thương mại nông thôn góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (Tiêu chí số 7) bao gồm chợ nông thôn và cơ sở bán lẻ khác (siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh tổng hợp...). Đây là tiêu chí được đánh giá có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

g
Trên địa bàn tỉnh hiện có 02 siêu thị hạng 3 đầu tư từ nguồn vốn tư nhân.

Hằng năm, Sở Công thương đã chủ động triển khai, hướng dẫn việc áp dụng các quyết định của Bộ Công thương đối với tiêu chí số 7 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới đối với các xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới. Phát triển mạng lưới chợ nông thôn sẽ góp phần tích cực tiêu thụ sản phẩm tại địa phương, tạo điều kiện cho thương nhân cung cấp hàng hóa thiết yếu, nâng cao đời sống và thu nhập cho lao động khu vực nông thôn, thực hiện mục tiêu phát triển thương mại nông thôn theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 85 xã đạt tiêu chí đạt tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.

Đối với hệ thống cơ sở bán lẻ ở nông thôn (siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp): Về cơ bản, các xã trên địa bàn tỉnh đều có các cửa hàng bán lẻ đáp ứng yêu cầu về cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp theo quy định tại Quyết định số 4800/QĐ-BCT ngày 08/12/2016 của Bộ Công thương về việc hướng dẫn thực hiện và xét công nhận tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Nhìn chung, các chợ nông thôn đều phát huy tốt vai trò trong phân phối hàng hóa tại các địa phương.

Quy hoạch mạng lưới chợ, siêu thị về cơ bản được phát triển một cách khoa học, hiệu quả và đúng quy hoạch. Qua đó, tranh thủ thu hút được các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, các Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn 135 và các nguồn vốn tư nhân để đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng chợ, siêu thị... Các chợ trên địa bàn tỉnh cơ bản được phân bố hợp lý, phù hợp với điều kiện địa hình, địa giới của địa phương. Từ trung tâm huyện đến các xã, cách 2 đến 3 xã có một điểm chợ thuận lợi cho việc giao thương, trao đổi hàng hóa của người dân. Đồng thời, các điểm chợ đều gần các trục đường giao thông nên thuận tiện cho việc giao lưu, trao đổi, buôn bán hàng hóa.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 83 chợ (02 chợ hạng 1; 11 chợ hạng 2; 62 chợ hạng 3; 08 chợ đầu mối). Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh mới có 65 chợ, gồm: 01 chợ hạng 1; 04 chợ hạng 2; 60 chợ hạng 3. Các chợ nông thôn đều có quy mô hạng 3, chợ kiên cố hoặc bán kiên cố, họp không thường xuyên, chỉ họp theo phiên (thường 5 ngày/phiên). Đối với siêu thị, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 02 siêu thị hạng 3 đầu tư từ nguồn vốn tư nhân.

Trong tổng số 65 chợ trên địa bàn tỉnh hiện có 10 chợ thành thị, 55 chợ nông thôn. Nhìn chung, các chợ phân bố hợp lý, được đầu tư xây dựng đã phát huy hiệu quả trong việc thu hút, tập trung lực lượng hàng hoá lớn từ các nguồn sản xuất, kinh doanh trong và ngoài địa bàn, đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hoá và tiêu dùng của Nhân dân. Kinh phí xây dựng chợ chủ yếu được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn Chương trình 135. Song, còn một số chợ tại khu vực vùng sâu, vùng xa nên hoạt động không hiệu quả, nhất là vào mùa mưa. Một số chợ hiện đã xuống cấp vì chỉ được đầu tư từ những năm 1990, không có kinh phí duy tu, bảo trì, nâng cấp, cải tạo.

Khó khăn nhất hiện nay là nguồn kinh phí để thực hiện tiêu chí số 7 về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn còn hạn hẹp. Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách để xây mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ (nhất là chợ vùng sâu, vùng xa), nguồn vốn tư nhân không đầu tư vào những vùng này. Hiện nay, hệ thống chợ nông thôn chỉ đầu tư được một vài hạng mục chính như: Đình chợ, điện, nước, bảng hiệu, công trình vệ sinh..., còn hệ thống cơ sở bán lẻ đều huy động nguồn xã hội hóa, chủ yếu do tư nhân tự đầu tư nhưng một số hạng mục không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Nhìn chung, các chợ chưa đáp ứng yêu cầu về tiêu chí chợ nông thôn theo quy định tại Quyết định số 4800/QĐ-BCT ngày 08/12/2016 của Bộ Công thương.

Đồng chí Đinh Lâm Sáng- Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Trong thời gian tới ngành tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt. Triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Bộ Công thương và của tỉnh về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ (chợ, trung tâm thương mại, siêu thị) theo quy hoạch. Thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo kế hoạch đã được phê duyệt. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các thương nhân có nhu cầu đầu tư xây dựng chợ nông thôn tham gia đầu tư xây dựng chợ. Bên cạnh đó, triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn các huyện, thành phố. Tham gia vào công tác thiết kế chợ cho phù hợp quy định và thói quen tiêu dùng của người dân nông thôn, bố trí quầy hàng trong chợ, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh, phòng, chống cháy nổ, công tác tập huấn cho cán bộ quản lý chợ…”./.

Bích Ngọc

Xem thêm