Xây dựng nông thôn mới cần "sức bật" từ sản xuất hàng hóa

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là tổng thể các hoạt động nhằm cải biến sâu sắc nông thôn, nông dân và nền nông nghiệp nước ta. Muốn làm được điều này, việc phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tiên tiến đối với tỉnh Bắc Kạn là rất cần thiết để từ đó nâng cao đời sống người dân.

Nhiều năm nay, cây mận sớm dần trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp ở một số xã của huyện Pác Nặm. Tuy nhiên, bà con vẫn thực hiện theo phương pháp sản xuất cũ, chủ yếu trồng theo kinh nghiệm, chưa chú trọng các biện pháp kỹ thuật. Chất lượng quả mận vì thế cũng không quá nổi trội, chủ yếu bán cho tư thương thu mua nhỏ lẻ. Vừa qua, Trung tâm Ứng dụng Khoa học - Công nghệ và Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh đã chọn vườn mận thôn Thôm Mèo, xã Xuân La và thôn Nặm Vằn, xã Nghiên Loan (Pác Nặm) để xây dựng Dự án “Điều tra đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp cải tạo vườn mận không đồng đều năng suất tại Pác Nặm và Ba Bể”.

Ngoài quả mận sớm, Pác Nặm còn một số sản phẩm nông nghiệp khác như: Gà Tiên Yên, bí đao… nhưng đa phần quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm thô sơ. Với đặc trưng chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng do chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao nên đời sống người dân đa phần còn khó khăn. Toàn huyện chưa có xã nào đạt tiêu chí về Thu nhập trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Đồng chí Lộc Thăng Huyến- Phó Chủ tịch UBND xã Xuân La (Pác Nặm) cho biết: Xã Xuân La có trên 100ha trồng cây mận trong đó nhiều diện tích đã cho thu hoạch, nhưng sản phẩm chủ yếu bán nhỏ lẻ cho tư thương, chưa có đầu ra ổn định. Nhiều năm mận sai quả nhưng giá thấp, khó bán. Do vậy, tạo chuỗi liên kết là điều mà địa phương này đang tính đến.

Mô hình kinh tế hiệu quả của hộ gia đình Lộc Văn Dương- thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận (Bạch Thông)
Mô hình kinh tế hiệu quả của hộ Lộc Văn Dương, thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận (Bạch Thông).

Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo ra sản phẩm hàng hóa được xác định là chìa khóa để nâng cao thu nhập cho người dân. Xã Quang Thuận (Bạch Thông) là một trong hai xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đây cũng là địa phương thực hiện khá tốt việc tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng. Với thế mạnh về cây ăn quả, ngoài cam, quýt, hiện các loại cây khác như: Bưởi, táo, nhãn, hồng không hạt, cây mơ... cũng được trồng đa dạng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị như: Chuỗi giá trị cây chè; chuỗi giá trị trồng mới cây cam canh, cây ổi, cam sành, cây dược liệu; chuỗi giá trị nuôi cá nước ngọt; khuyến khích người dân đầu tư, thâm canh theo hướng VietGAP được địa phương đẩy mạnh. Nhờ vậy, đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 39,6 triệu đồng/người/năm.

Đồng chí Nông Văn Bình- Chủ tịch UBND xã Quang Thuận (Bạch Thông) cho biết: Để nâng cao thu nhập thì việc sản xuất hàng hóa có vai trò quan trọng. Thực tế, xã Quang Thuận cũng đã phần nào thực hiện được bằng việc liên kết chuỗi giá trị cây chè, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, đầu ra cho sản phẩm cam, quýt, mở rộng thêm cây trồng đặc sản nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhiều năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã tích cực triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông sản thông qua một số nguồn vốn từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, 30a. Tuy đã phần nào phát huy hiệu quả, nhưng chưa được như mong muốn khi tư duy tổ chức sản xuất nông nghiệp của người dân chưa có sự đột phá. Toàn tỉnh hiện mới có 16/108 xã đạt tiêu chí Thu nhập, hộ nghèo còn chiếm trên 18%.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu- Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Xây dựng nông thôn mới chỉ thành công khi đời sống người dân thực sự được nâng lên. Khi thu nhập tăng, người dân cũng sẽ có thêm điều kiện để cùng với Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng, từ đó làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Nhưng để làm được điều này, trước hết cần sự đột phá trong tư duy tổ chức sản xuất nông nghiệp. Xác định vai trò này, thời gian tới, từ các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, tỉnh sẽ tập trung xây dựng các chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa tiên tiến, hiện đại, góp phần cải biến sâu sắc cuộc sống người dân vùng nông thôn./.

Bích Ngọc


 

Xem thêm