Hiệu quả Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở Phiêng Khít

Thôn Phiêng Khít, xã Thượng Ân (Ngân Sơn) có diện tích tự nhiên trên 66ha, gồm 23 hộ dân với 120 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Thu nhập chính chủ yếu từ sản xuất nông - lâm nghiệp nhưng năng suất, hiệu quả cây trồng không cao do ít đất canh tác, thiếu nước, thiếu khoa học kỹ thuật, vì vậy, đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn.

Thôn Phiêng Khít, xã Thượng Ân (Ngân Sơn) có diện tích tự nhiên trên 66ha, gồm 23 hộ dân với 120 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Thu nhập chính chủ yếu từ sản xuất nông - lâm nghiệp nhưng năng suất, hiệu quả cây trồng không cao do ít đất canh tác, thiếu nước, thiếu khoa học kỹ thuật, vì vậy, đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn.

Hiệu quả Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở Phiêng Khít ảnh 1

Trồng nấm hương góp phần tăng thu nhập cho gia đình chị Triệu Thị Phương.

Trước thực trạng đó, năm 2018, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy Ngân Sơn, UBND huyện đã xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho thôn Phiêng Khít với nguồn vốn hơn 400 triệu đồng, giúp Nhân dân trong thôn phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Đề án hỗ trợ 03 hộ phát triển chăn nuôi trâu sinh sản, 22 hộ trồng cây dẻ ván, 17 hộ trồng cây rau bồ khai, 23 hộ trồng nấm hương và hỗ trợ 20 hộ xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh. Các hộ tham gia Đề án được hỗ trợ 100% cây, con giống và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trong thôn. Đến nay, bà con trong thôn đã trồng được 4,74ha cây dẻ ván; 0,25ha cây bồ khai, đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ cây sống đạt trên 90%, số cây chết đã được các hộ dân trồng dặm đảm bảo mật độ theo quy định. Do thường xuyên chăm sóc, bón phân theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, cây dẻ ván sinh trưởng, phát triển tốt. Tại một số vườn của các hộ dân, cây bắt đầu bói quả. Cây bồ khai thích nghi với điều kiện khí hậu địa phương, phát triển tốt, bước đầu có sản phẩm phục vụ gia đình. Riêng đàn trâu hỗ trợ gồm 3 con, thì có 1 con chết do ăn phải nhện độc, hiện còn 2 con (01 đã sinh sản); 20/20 hộ được hỗ trợ làm nhà tiêu hợp vệ sinh.

Đối với trồng nấm hương, Đề án hỗ trợ 59m3 gỗ, bà con đã nhân rộng thêm 30m3, nâng tổng số giá thể gỗ trồng nấm lên 89m3. Nấm hương sinh trưởng, phát triển tốt, thích hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, sau 8 tháng cấy nấm cho thu hoạch lứa đầu tiên. Theo đánh giá của Đề án, tổng kinh phí hỗ trợ ban đầu cho các hộ trồng nấm hương hơn 21 triệu đồng, doanh thu các hộ từ trồng nấm hương đạt khoảng 240 triệu đồng, lợi nhuận đạt 218 triệu đồng, bình quân mỗi hộ đạt 9,5 triệu đồng. Chị Triệu Thị Phương, một trong những hộ tham gia trồng nấm cho biết: "Gia đình tôi được hỗ trợ 4 khối gỗ trồng nấm hương, sau khi thực hiện thấy hiệu quả nên đã tự mở rộng thêm 4 khối. Đến nay, trồng nấm hương là một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình". Còn hộ chị Lý Thị Hiền, riêng trong năm 2020 thu nhập hơn 15 triệu đồng từ trồng nấm. "Thu nhập bằng 3 tấn thóc mà người dân làm lụng vất vả chưa chắc đã có được", chị Hiền chia sẻ. 

Theo đánh giá thực hiện Đề án, người dân trong thôn đã được tiếp cận những kiến thức, khoa học kỹ thuật trong phát triển kinh tế gia đình và những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống. Trong đó, nội dung Đề án thực hiện như trồng nấm hương, chăn nuôi sinh sản đã đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia, đặc biệt là nội dung trồng nấm hương cho thu nhập cao so với chi phí đầu tư. Giá bán nấm hương tươi trung bình 100.000 đồng/kg, sản phẩm được thị trường ưa chuộng, nhờ đó giúp các hộ có thu nhập ngay trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, nuôi trâu sinh sản là một trong những thế mạnh của thôn, người dân thực hiện nuôi và chăm sóc tốt, đây có thể được xem là nguồn vốn hiệu quả. Ngoài ra, thôn đã hình thành vùng trồng dẻ tập trung, với diện tích tăng lên 5,52ha; dự kiến đến năm 2023, diện tích cây dẻ bắt đầu cho thu hoạch, với giá bán từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, đây là nguồn thu nhập cao và ổn định để các hộ dân vươn lên thoát nghèo trong giai đoạn 2021-2025.

Từ nguồn vốn hỗ trợ của huyện thực hiện các nội dung Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, cũng như Chương trình 135, 30a trong giai đoạn 2018-2020, đời sống người dân thôn Phiêng Khít ngày càng được nâng cao. Từ 100% hộ nghèo trước khi thực hiện Đề án, đến nay thôn có 9 hộ thoát nghèo, trong đó có 7 cận hộ nghèo, 2 hộ trung bình (vượt mục tiêu đề ra). Vệ sinh môi truờng trong thôn được cải thiện, từ 3 hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, đến nay tất cả các hộ gia đình trong thôn đều có công trình nhà vệ sinh đảm bảo yêu cầu./.

Lý Dũng

Xem thêm