Chung tay hành động để chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em

Những năm qua, công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm, tuyên truyền, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại. Nhờ đó, các vụ vi phạm đã giảm qua từng năm, góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện cho phụ nữ, trẻ em.

Những năm qua, công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm, tuyên truyền, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại. Nhờ đó, các vụ vi phạm đã giảm qua từng năm, góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện cho phụ nữ, trẻ em.

Vẫn còn đâu đó câu chuyện buồn

“Cháu bị bạo hành gần 6 năm nay. Cháu im lặng chấp nhận, không chia sẻ với người thân vì sợ bố mẹ đau lòng khi cháu lấy chồng mà không hạnh phúc. Cháu thương bố lắm, vì bố bị bệnh tim”. “Cứ mỗi lần anh ấy đi uống rượu về lại chửi, túm tóc đánh em. Tối nay cũng vậy, anh ấy về đến nhà là quát tháo, chửi mắng rồi cứ thế đánh, bóp cổ em. Em không biết làm thế nào vì con em còn nhỏ quá”. “Hôm qua, trên đường em đi tập huấn về nhà, em nhìn thấy anh ấy đang phóng xe rất nhanh ngược đường với em, anh ấy nhìn thấy em lập tức vòng xe quay lại chặn đường đánh em. Em sợ quá chạy vội vào nhà dân bên đường. Anh ấy mở cốp xe của em, mở bình xăng dọa đốt xe. Hiện giờ, em đang ở nhà ngoại, em sợ lắm, chẳng thiết sống nữa”. “Từ khi anh ấy có người thứ ba, lúc nào anh ấy cũng kiếm cớ chửi, đánh. Em có làm gì sai đâu, nhưng anh ấy vẫn cứ chửi. Em mệt mỏi vô cùng”.

Đó chỉ là nội dung của một số ít câu chuyện buồn chúng tôi được bà Nguyễn Thị Kim Thông, tư vấn viên Phòng tư vấn và duy trì đường dây nóng về phòng, chống Bạo lực gia đình của Hội LHPN tỉnh chia sẻ. Mỗi câu chuyện được nói đến luôn bảo đảm tính bảo mật về tên, tuổi, địa chỉ, tuy nhiên, ít chị em dám lên tiếng khi bị bạo lực bởi chẳng ai muốn “vạch áo cho người xem lưng". Ngoài ra, vẫn còn xảy ra tình trạng xâm hại tình dục trẻ em (năm 2017 có 15 vụ, năm 2018 có 9 vụ, năm 2019 có 7 vụ).

Theo thống kê, trong 5 năm (2015 - 2019), trên địa bàn tỉnh có 623 vụ bạo lực gia đình. Hình thức bạo lực chủ yếu là thân thể, người gây bạo lực chủ yếu là nam giới, nạn nhân bị bạo lực cơ bản là nữ. Tình trạng bạo lực gia đình có những tác động tiêu cực, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nạn nhân như bị thương tích, có thể bị khuyết tật suốt đời, thậm chí tử vong hoặc bị rối loạn sức khỏe tâm thần gây ra sang chấn tâm lý, trầm cảm… mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Tích cực tuyên truyền

Để nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, toàn tỉnh hiện có 22 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, 110 câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững, 110 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, duy trì 282 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Công tác phối hợp truyền thông, giáo dục và vận động cộng đồng dân cư tham gia phòng, chống bạo lực gia đình từng bước đi vào chiều sâu thông qua nhiều hoạt động phong phú, góp phần giảm số vụ bạo lực gia đình hằng năm.

Truyền thông bình đẳng giới thông qua hình thức Hội thi tại xã Mai Lạp (Chợ Mới).
Truyền thông bình đẳng giới tại xã Mai Lạp (Chợ Mới).

Cùng với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em như: Xây dựng và duy trì các mô hình CLB gia đình hạnh phúc, CLB pháp luật, Câu lạc bộ “Phụ nữ cùng chia sẻ”, duy trì các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, duy trì góc tư vấn về giới, bạo lực gia đình tại Hội LHPN tỉnh. Công tác tuyên truyền được đầu tư về nội dung, hình thức sáng tạo, mới mẻ, tạo dấu ấn, sức lan tỏa trong cộng đồng; nhiều sự kiện truyền thông, hội nghị, hội thảo, hội thi, diễn đàn đã được tổ chức thu hút sự tham gia của các ngành, lĩnh vực và cộng đồng.

Đồng chí Hà Thị Liễu- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em, trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh tiếp tục triển khai những việc làm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, huy động được sự tham gia của các cấp, ngành và toàn xã hội tham gia bảo vệ an toàn cho phụ nữ, trẻ em;. Phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật về bảo đảm cho phụ nữ, trẻ em. Tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em. Phối hợp với các ngành chức năng phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm hành vi xâm hại tới tính mạng, sức khỏe, danh dự của phụ nữ và trẻ em. Cộng đồng cũng cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát và phát hiện các vụ việc bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, mỗi người hãy tự xây dựng cho mình một gia đình an toàn, hạnh phúc, bởi lẽ “Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt”.

Có thể khẳng định, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị - xã hội từng bước xóa bỏ định kiến giới, chung tay ngăn ngừa tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em sẽ tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho phụ nữ, trẻ em được phát triển toàn diện. Qua đó, thúc đẩy thực hiện luật pháp, chính sách và vận động xã hội về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, hướng tới xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc và phát triển bền vững./.

Hà Nhung

Xem thêm