Na Rì nỗ lực giảm nghèo

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo ở huyện Na Rì đã có những chuyển biến đáng ghi nhận.

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo ở huyện Na Rì đã có những chuyển biến đáng ghi nhận.

Tận dụng diện tích chủ động nước phát triển nuôi trồng thủy sản giúp tăng thu nhập cho nhiều hộ dân ở thôn Nà Nưa, xã Cường Lợi
Phát triển nuôi thủy sản giúp tăng thu nhập cho nhiều hộ dân ở thôn Nà Nưa, xã Cường Lợi.

Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, huyện Na Rì đã tập trung đồng bộ nhiều giải pháp như: Hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ y tế, giáo dục, an sinh xã hội; đầu tư cơ sở hạ tầng… Nhiều năm qua, huyện đã triển khai các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất như: Cải tạo đất trồng lúa; cải tạo, trồng mới cây cam, quýt; thực hiện mô hình trồng rau an toàn, trồng dong riềng lên luống cao; hỗ trợ mở rộng quy mô chuồng trại hợp tác xã, các mô hình chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm cho hợp tác xã; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị…

Từ năm 2016 đến nay, Na Rì đã chuyển đổi trên 1.000ha đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng cây giá trị kinh tế cao như: Đậu tương, lạc, thuốc lá, dong riềng, cây ăn quả các loại... việc trồng cây ăn quả được người dân chú trọng phát triển cả về diện tích và năng suất, chất lượng, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện hiện có trên 713ha. Diện tích đất ruộng, soi bãi đạt giá trị kinh tế 100 triệu đồng/ha trở lên được bà con đăng ký thực hiện 450ha trong năm 2020; duy trì trồng trên 300ha dong riềng; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hóa phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương...

Ông Sằm Quốc Từ- Trưởng thôn Nà Đeng, xã Cường Lợi cho biết: "Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, thôn Nà Đeng mạnh dạn phát triển kinh tế, trong đó tập trung vào trồng rừng, chăn nuôi gia súc, lợn, gà, đào ao nuôi cá và trồng cây ăn quả. Hiện nay, thôn có khoảng 30 người làm công nhân ở các công ty, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ. Kết thúc năm 2019, toàn thôn Nà Đeng không còn hộ nghèo".

Bên cạnh đó, những năm trở lại đây, nhiều hộ dân đã chú trọng đầu tư, xây dựng sản phẩm chủ lực phù hợp với điều kiện thực tế. Sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tạo động lực giúp người dân vượt qua khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, có điều kiện nâng cao kiến thức sản xuất, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm nhiều mặt hàng nông, lâm sản giá trị kinh tế cao, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo. Đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 40,89%, đến nay giảm còn 24,85%.

Thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn huyện nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP, số sản phẩm đạt tiêu chuẩn mỗi năm một tăng. Năm đầu tiên triển khai thực hiện (năm 2018), toàn huyện có 7 sản phẩm đăng ký đánh giá xếp hạng, trong đó, có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn (01 sản phẩm đạt 4 sao và 5 sản phẩm đạt 3 sao). Năm 2019, Na Rì có thêm 23 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, trong đó, được cấp giấy chứng nhận 13 sản phẩm, tăng số sản phẩm đạt tiêu chuẩn lên 19 sản phẩm OCOP.

Một số sản phẩm được công nhận trong năm 2019 như: Quýt, bưởi Diễn của HTX trồng cây ăn quả xã Lương Hạ; cam Đường Canh của HTX Kim Lư; bí thơm của HTX Bình Minh; 4 sản phẩm miến dong của HTX Côn Minh, cơ sở Nguyễn Xuân Bồng, Trịnh Xuân Huấn, xã Côn Minh, Nông Văn Luyến xã Cư Lễ; bún khô của HTX Đồng Tâm, xã Kim Lư; mật mía, đường phên của HTX mía đường xã Cường Lợi; lạp sườn gừng đá của HTX Chi Lăng, xã Xuân Dương và rượu men lá của HTX OCOP Quế Thanh... Năm 2020, Na Rì duy trì 19 sản phẩm OCOP, trong đó 1 sản phẩm nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao; 3 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. 

Đồng chí Nông Văn Nguyên- Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục chú trọng việc chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm; mời gọi đối tác trong và ngoài tỉnh liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho người dân; chú trọng sản xuất các sản phẩm theo quy trình nông nghiệp sạch, nhằm nâng cao giá trị nông sản của địa phương. Đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2020; mỗi xã quy hoạch một diện tích nhất định và tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh cây trồng, con vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế làm chủ đạo trong công tác giảm nghèo... Toàn huyện phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm 3,42% tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2020./.

Tùng Vân

Xem thêm