Ghi nhận từ Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống"

Sau 5 năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015- 2020”, nhận thức của đại đa số người dân về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được nâng lên đáng kể so với những năm trước.

Sau 5 năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015- 2020”, nhận thức của đại đa số người dân về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được nâng lên đáng kể so với những năm trước.

Tỉnh Bắc Kạn có trên 86% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, tập quán tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh nhiều con, sinh dày vẫn còn tồn tại, làm suy giảm chất lượng dân số, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn ở mức cao và có xu hướng gia tăng. Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2019, toàn tỉnh có 594 cặp kết hôn sớm (tỷ lệ tảo hôn khoảng 6% so với kết hôn đúng độ tuổi); 11 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Hầu hết các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thường xảy ra ở các thôn vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người như: Mông, Sán Chay… độ tuổi tảo hôn phổ biến từ 16 đến 19 tuổi đối với nam và 14 đến 17 tuổi đối với nữ.  

Truyền thông về công tác dân số- KHHGĐ, Luật Hôn nhân và gia đình cho đồng bào DTTS tại thôn bản vùng cao.
Truyền thông về công tác dân số- KHHGĐ, Luật Hôn nhân và gia đình cho đồng bào DTTS tại thôn bản vùng cao.

Hậu quả từ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó chủ yếu là ảnh hưởng của quan niệm, hủ tục, tập quán lạc hậu; kết hôn trong họ tộc để lưu giữ tài sản trong gia đình không mang của cải sang họ khác; tâm lý muốn sớm có con đàn cháu đống, có người nối dõi; có thêm lao động trong gia đình…

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và của tỉnh, với vai trò là cơ quan Thường trực, Ban Dân tộc đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với UBND các huyện, các xã triển khai xây dựng và duy trì thực hiện mô hình điểm Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020”.

Qua 5 năm triển khai, Đề án với các mô hình điểm tại các địa phương trong tỉnh đã bước đầu đạt kết quả tích cực. Hiện trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 11 mô hình điểm, trong đó, có 02 mô hình được thực hiện từ năm 2016, gồm xã Bộc Bố, Trường Tiểu học và THCS Giáo Hiệu (Pác Nặm) và 09 mô hình thực hiện từ năm 2018, gồm: Xã Công Bằng, Bằng Thành, Cổ Linh, Cao Tân (Pác Nặm); Bình Trung (Chợ Đồn); Cốc Đán, Thượng Quan (Ngân Sơn); Vũ Loan (nay là xã Văn Vũ), Lương Thượng (Na Rì).

Đề án cung cấp các sản phẩm, thông tin đến các thôn, bản, xã thực hiện mô hình 16.200 tờ rơi, tờ gấp, 70 áp phích, in sao 100 băng đĩa hình bằng 2 thứ tiếng dân tộc Mông và Dao, nội dung liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cùng với đó, Đề án thực hiện các hoạt động tư vấn, can thiệp tại các mô hình điểm; phối hợp với công chức Tư pháp hộ tịch ở cơ sở thực hiện tư vấn tại chỗ cho gần 600 đối tượng là cha, mẹ, nam nữ thanh niên trong độ tuổi thành niên tại các thôn thực hiện mô hình. Can thiệp ngăn chặn kịp thời 12 trường hợp có nguy cơ xảy ra tảo hôn; thực hiện 26 cuộc tập huấn, với 812 lượt người tham dự là các trưởng thôn, người có uy tín, đại diện các tổ chức đoàn thể ở cơ sở cộng đồng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra và có xu hướng tăng trở lại tại các thôn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vẫn còn tình trạng kết hôn cận huyết thống trong phạm vi rất gần; chính quyền địa phương còn lúng túng trong việc xử lý, vận động, thuyết phục các cặp tảo hôn chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật. Thêm vào đó đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; nhận thức của một số đồng bào còn hạn chế, nhất là các bậc cha mẹ còn tư tưởng nặng nề, lạc hậu về hôn nhân, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao…

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Triệu Thị Thu Phương cho biết: Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung và mục tiêu của Đề án, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số của tỉnh. Tập trung nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong trên địa bàn toàn tỉnh.

Phấn đấu giảm 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và không có trường hợp hôn nhân cận huyết đối với các địa bàn dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Tăng cường các biện pháp ngăn chặn như vận động nhân dân trong cộng đồng không dự đám cưới tảo hôn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật hôn nhân và gia đình. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, già làng, trưởng thôn, người có uy tín, chức sắc tôn giáo tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…/.

Quý Đôn

Xem thêm