Ký ức về năm tháng chiến đấu giải phóng thị xã Bắc Kạn

Là đồng đội từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, thi thoảng ông Nguyễn Văn Rung lại đạp xe từ phường Phùng Chí Kiên lên phường Sông Cầu (thị xã Bắc Kạn) thăm ông Hà Văn Y. Sau những hỏi han, tâm sự đời thường, hai lão cựu chiến binh lại cùng nhau ôn lại kỷ niệm về năm tháng kề vai sát cánh, tham gia chiến đấu giải phóng thị xã Bắc Kạn.

Là đồng đội từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, thi thoảng ông Nguyễn Văn Rung lại đạp xe từ phường Phùng Chí Kiên lên phường Sông Cầu (thị xã Bắc Kạn) thăm ông Hà Văn Y. Sau những hỏi han, tâm sự đời thường, hai lão cựu chiến binh lại cùng nhau ôn lại kỷ niệm về năm tháng kề vai sát cánh, tham gia chiến đấu giải phóng thị xã Bắc Kạn.

Ở tuổi 88 nhưng ông Nguyễn Văn Rung ở tổ 8, phường Phùng Chí Kiên còn khá nhanh nhẹn và khỏe mạnh, ông thường xuyên đạp xe lên tổ 8 phường Sông Cầu để thăm ông Hà Văn Y. Mấy năm nay ông Hà Văn Y bị nặng tai, nhưng trí nhớ vẫn rất minh mẫn. Nghe hai ông kể lại những ký ức của mình, tôi thấy mình may mắn khi được hiểu thêm về những năm tháng quân và dân ta chiến đấu giải phóng Bắc Kạn khỏi thực dân Pháp.

Ông Nguyễn Văn Rung (bên trái ảnh) và ông Hà Văn Y thường gặp gỡ để ôn lại những kỷ niệm thời kháng chiến.
Ông Nguyễn Văn Rung (bên trái ảnh) và ông Hà Văn Y thường gặp gỡ để ôn lại những kỷ niệm thời kháng chiến.


Sau khi Pháp nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn (10/1947), chúng trở thành một "cái gai nhọn" đe dọa vùng An toàn khu và tuyến quốc lộ 3. Ông Nguyễn Văn Rung nhớ lại: Ở thị xã Bắc Kạn, địch xây dựng nhà Chánh sứ, nhà Hội đồng, đồn Giám binh. Từ đó, chúng lùng sục gắt gao ra các xã ở vùng chung quanh, như: Hà Vị, Lục Bình, Sĩ Bình, Mỹ Thanh, Nông Thượng, Thanh Mai... để bắt bớ cán bộ Việt Minh, đốt phá kho thóc gạo, gây cho ta rất nhiều thiệt hại. Để dễ bề kiểm soát tình hình, giặc Pháp bắt khoảng gần 1.000 người dân chưa kịp tản cư phải vào ở tập trung trong một khu đồn gần Trại Giám binh. Khu này vốn có tên là "Trại con gái"- nơi ở cũ của vợ con lính Pháp và tay sai. Các cây to trong vùng đều bị chúng chặt hạ để có tầm nhìn xa. Hằng ngày người dân muốn ra ngoài để lao động sản xuất thì phải xin phép và không được mặc áo tối màu. Địch quy định thời gian làm đồng từ 8h sáng đến 16h chiều. Các chòi gác trên đồi cao của chúng có thể quan sát mọi diễn biến của người dân. Có thể nói đời sống của người dân thị xã Bắc Kạn khi ấy rất ngột ngạt, hết sức thiếu thốn và khổ cực.


Lúc đó ông Nguyễn Văn Rung là Trung đội trưởng chỉ huy một đơn vị trú quân tại khu vực đèo Khau Rạ (xã Nông Thượng). Phải mất khá nhiều công sức, đơn vị mới bắt được liên lạc với người của ta trong "Trại con gái". Từ đó, bà con trong vùng địch kìm kẹp được tuyên truyền, tin tưởng cách mạng và đi theo kháng chiến. Các cơ sở của ta đã bí mật tiếp tế quần áo, thuốc men (chủ yếu là thuốc ký - ninh chống sốt rét) ra bên ngoài cho bộ đội. Những người phu xây dựng được ta giác ngộ đã vẽ cho quân ta sơ đồ bố trí hầm hào và vũ khí của địch... Đầu năm 1949, trung đội biệt động do Trung đội trưởng Nguyễn Văn Rung chỉ huy đã đặt mìn phá hỏng nhà máy điện của địch đặt tại chân đồi thông. Không có điện chiếu sáng, quân ta dễ bề liên lạc với đồng bào trong trại và tổ chức thêm nhiều hoạt động đánh quấy rối khiến Pháp rất hoang mang. Chúng buộc phải sử dụng nhiều đèn dầu để thắp sáng ngoài các con đường chính.


Ông Hà Văn Y còn nhớ rất rõ cảnh thiếu thốn của bộ đội địa phương. Sơ tán khỏi thị xã Bắc Kạn khi Pháp nhảy dù, mỗi chiến sĩ chỉ có một bộ quần áo mặc trên người. Mùa đông năm ấy lạnh cắt da cắt thịt. Bộ đội dựa vào dân để sống và chiến đấu. Dân nghèo nên người lính cũng bữa no, bữa đói. Cả trung đội lúc đó chỉ có 1 hòm lựu đạn và 5 khẩu súng (02 khẩu khai hậu, 03 súng mút-cơ-tông). Tuy vất vả thiếu thốn nhưng bộ đội và du kích địa phương vẫn kiên cường bám địa bàn, phối hợp với các đơn vị chủ lực của Trung đoàn 72 tổ chức nhiều trận đánh nhỏ khiến địch ngày càng bớt hung hăng. Như trận tập kích đồn Phủ Thông, mỗi bộ đội địa phương chỉ được trang bị 2 quả lựu đạn, còn lại là dao, gậy nhọn. Tuy vậy tất cả đều chiến đấu hết sức ngoan cường. Phút mở màn, số lựu đạn trên đều được tung vào đồn để diệt các ụ súng máy của địch. Ông Nguyễn Văn Rung nhớ lại: Quá bất ngờ và hoảng hốt, một số tên địch ôm súng máy bỏ chạy vào các ngôi nhà cuối đồn. Bộ phận xung phong của ông thu tại chỗ được 7 túi đạn súng máy và mấy quả lựu đạn. Vậy là quân ta dùng số lựu đạn ấy cùng gậy nhọn, dao, mác xông vào đồn tiêu diệt địch...

Nhà Hội đồng của thực dân Pháp là di tích được thị xã Bắc Kạn giữ gìn khá nguyên vẹn, nay là Thư viện tỉnh.
Nhà Hội đồng của thực dân Pháp là di tích được thị xã Bắc Kạn giữ gìn khá nguyên vẹn, nay là Thư viện tỉnh.


Bị Tiểu đoàn 55 và bộ đội, du kích địa phương của ta liên tục quấy rối, nhất là sau trận cường tập đồn Phủ Thông, quân Pháp tại Bắc Kạn ngày càng lo sợ "mất ăn mất ngủ". Chiến thắng liên tiếp của ta tại các mặt trận vùng Đông Bắc càng khiến địch hoảng hốt. Theo chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh, Trung đoàn 72 của ta đã tập kết và huấn luyện tại huyện Chợ Mới để chuẩn bị cho trận đánh lớn. Địch nắm được thông tin ta sẽ tổ chức đánh quy mô vào thị xã Bắc Kạn nên ngày 09/8/1949, chúng đã chủ động rút chạy ngược quốc lộ 3. Trong các ngày 07-08/8 trước đó, lính địch tự do cướp phá của nhân dân thị xã từ cái bút máy đến chiếc bật lửa... Trước tình hình quân Pháp rút chạy, bên ta đã họp bàn việc thành lập chính quyền cách mạng, lên kế hoạch giúp nhân dân trở về khôi phục nhà cửa và sản xuất. Khi vào tiếp quản thị xã Bắc Kạn, Tòa án binh của ta đã xét xử và tử hình các tên tay sai, ác ôn gây nhiều nợ máu với nhân dân như: Lý Dường Sáng, Lường Ón, Triệu Thạch Kim. Nhớ lại ngày tỉnh Bắc Kạn tổ chức lễ mừng chiến thắng (24/8/1949), ông Nguyễn Văn Rung và ông Hà Văn Y không khỏi bồi hồi. Đó là một ngày nắng rất to, hàng nghìn người dân và bộ đội ta mít tinh tại sân bay Cầu Phà, xúc động và hân hoan nghe đọc thư khen của Hồ Chủ tịch... Sau giải phóng Bắc Kạn, cả hai ông đều tích cực tham gia xây dựng chính quyền. Ông Hà Văn Y từng làm Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông; ông Nguyễn Văn Rung từng làm Bí thư Đảng ủy thị trấn Bắc Kạn.


65 năm đã trôi qua, hai người lính già từ chỗ là bạn bè, đồng đội rồi trở thành người trong nhà khi ông Hà Văn Y lấy bà Nguyễn Thị Tía- em gái ông Nguyễn Văn Rung. Không giấu được niềm vui, ông Hà Văn Y cho biết trong tháng 8 này, sau dịp kỷ niệm giải phóng Bắc Kạn, hai vợ chồng ông sẽ tổ chức lễ mừng ông 65 năm tuổi Đảng, bà 50 năm tuổi Đảng. Niềm vui của các cựu chiến binh như tăng thêm gấp bội khi thị xã Bắc Kạn- nơi các ông cùng đồng đội chiến đấu với giặc Pháp năm xưa, nay đã ngày một đổi mới, trở thành đô thị loại 3 và đang trên đường trở thành thành phố trực thuộc tỉnh./.

Đăng Bách

Xem thêm