Bằng Vân những ngày Tháng Tám

Thắng lợi của trận truy kích đánh đuổi giặc Pháp khỏi khu vực Bằng Khẩu (nay thuộc xã Bằng Vân, Ngân Sơn) cách đây 65 năm đã góp phần giúp Bắc Kạn trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước được giải phóng. Những dấu tích chiến trường năm xưa giờ không còn nữa, thay vào đó là ruộng lúa, nương ngô xanh mướt, phố xá sầm uất nhộn nhịp. Bằng Vân hôm nay đang tích cực chuyển mình, vươn lên xây dựng nông thôn mới.

Thắng lợi của trận truy kích đánh đuổi giặc Pháp khỏi khu vực Bằng Khẩu (nay thuộc xã Bằng Vân, Ngân Sơn) cách đây 65 năm đã góp phần giúp Bắc Kạn trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước được giải phóng. Những dấu tích chiến trường năm xưa giờ không còn nữa, thay vào đó là ruộng lúa, nương ngô xanh mướt, phố xá sầm uất nhộn nhịp. Bằng Vân hôm nay đang tích cực chuyển mình, vươn lên xây dựng nông thôn mới.

Bằng Vân anh hùng trong kháng chiến

Để phục vụ âm mưu cô lập và đánh chiếm bằng được chiến khu Việt Bắc, địch đã duy trì 1.500 quân chiếm đóng tại các cứ điểm dọc quốc lộ 3 như: thị xã Bắc Kạn, thị trấn Phủ Thông, các xã như Bành Trạch, Nà Phặc (Ngân Sơn)... Riêng tại khu vực Bằng Khẩu- nay thuộc xã Bằng Vân, quân Pháp tới lùng sục, bắt dân làm phu xây dựng đồn bốt cho chúng từ tháng 9/1947.

Sân bay Bằng Khẩu do quân Pháp xây dựng trước kia, nay là ruộng lúa xanh tốt với các giống lai năng suất cao.
Sân bay Bằng Khẩu do quân Pháp xây dựng trước kia, nay là ruộng lúa xanh tốt với các giống lai năng suất cao. (ảnh: Văn Lạ)

Với quyết tâm bảo vệ cán bộ và các cơ quan đầu não của cách mạng, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã ra sức chiến đấu, gây cho địch không ít thiệt hại, khiến chúng không dám hung hăng càn quét vào các bản làng, căn cứ của ta. Ông Nông Văn Ba- 87 tuổi, nguyên là cán bộ liên lạc Huyện đội Ngân Sơn nhớ lại: Khi ấy lúa sắp vào vụ gặt, người dân ra thăm đồng thì thấy xe của giặc Pháp tiến vào. Một số đồng chí thuộc trung đội du kích của xã đang trực gác bèn ra kiểm tra thì bị chúng bắn hy sinh. Từ hôm đó, quân Pháp vào Phố A – Bằng Khẩu lập chốt, bắt phu xây dựng đồn kiên cố hòng bám trụ lâu dài. Cuối năm 1947, bộ đội ta tấn công đồn Pù Nà Xá, tiêu diệt được nhiều lính Pháp. Thấy vậy, địch chuyển lên khe núi hiểm trở ở Phja Bả để xây đồn mới. Du kích địa phương dù được trang bị hết sức thiếu thốn song vẫn tích cực bám bản, chống càn quét, bảo vệ cán bộ Việt Minh.

Trước đà tiến công mạnh mẽ của ta trên các mặt trận đường số 3, số 4 và mặt trận Đông Bắc, quân Pháp đóng tại Bắc Kạn ngày càng lâm vào tình thế nguy ngập. Biết bộ đội ta chuẩn bị đánh lớn vào thị xã Bắc Kạn, chiều ngày 09/8/1949, địch hoảng sợ bắt đầu rút chạy theo quốc lộ 3 hướng lên Ngân Sơn. Trước tình hình đó, Trung đoàn 72 được giao nhiệm vụ cùng du kích và bộ đội địa phương truy kích tiêu diệt địch. Ngày 16/8/1949, quân ta bố trí lực lượng chiếm lĩnh các trận địa quanh khu vực Bằng Khẩu. Rạng sáng 17/8, ta nổ súng tấn công địch trên nhiều hướng. Bị bất ngờ, địch hoảng sợ bắn trả và mở đường máu tháo chạy về phía Cao Bằng. Kết quả trận đánh tại Bằng Khẩu, ta tiêu diệt được 50 tên địch, phá hủy và làm hư hỏng 44 xe vận tải, thu nhiều súng đạn của địch; địa bàn tỉnh Bắc Kạn sạch bóng quân thù. Ngày 24/8/1949, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn hân hoan tổ chức Lễ mừng chiến thắng.

Đổi thay trên quê hương cách mạng

Là xã phía Bắc của huyện Ngân Sơn, Bằng Vân hiện có 703 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu. Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, xã xác định kinh tế nông – lâm nghiệp là hướng đi chủ đạo. Trong đó diện tích gieo cấy lúa hằng năm là trên 200ha, sản lượng bình quân đạt trên 900 tấn. bên cạnh các cây lương thực có hạt, xã coi thuốc lá là cây trồng mũi nhọn với diện tích canh tác đạt trên 170ha, sản lượng đạt trên 340 tấn/năm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, nhiều chỉ tiêu kinh tế của địa phương có tăng trưởng khá so với kế hoạch như: Thu ngân sách đạt 81%, diện tích trồng cây thuốc lá đạt 104%, ngô mùa đạt 103%, sắn 105%, đàn trâu, bò đạt 105%, thiết kế trồng rừng tập trung đạt 170ha, trồng rừng phân tán đạt 61,8ha- bằng 171% kế hoạch… Bên cạnh đó, cơ cấu sản xuất tại địa phương đang chuyển dịch tích cực với các ngành nghề như: Kinh doanh - dịch vụ, chế biến lâm sản… Nhiều dự án, chương trình đầu tư đã được triển khai để hỗ trợ vốn, giống, vật tư, kỹ thuật sản xuất cho người dân, như: Mô hình trồng lúa lai, nuôi lợn nái Móng Cái thuần, mô hình cải tạo đàn trâu Mura, mô hình máy làm đất đa năng phục vụ cơ giới hóa sản xuất…

Một cơ sở chế biến gỗ bóc tại Bằng Vân.
Một cơ sở chế biến gỗ bóc tại Bằng Vân. (ảnh: Văn Lạ)

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường nội thôn và liên thôn của địa phương đã và đang được đầu tư xây dựng. Đến nay, xã đã đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới, bao gồm: Quy hoạch, thủy lợi, điện, bưu điện, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, an ninh – trật tự xã hội. Hiện xã đang tích cực thực hiện các tiêu chí khác, trong đó đặc biệt chú trọng công tác xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh. Cụ thể, địa phương đã chú trọng đổi mới phương pháp lãnh đạo, điều hành, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy công quyền, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng, hoàn thiện và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức cơ sở đối với công việc.


Đồng chí Nông Thanh Bạch- Chủ tịch UBND xã cho biết: Dưới sự chỉ đạo tập trung, sát sao của cấp ủy, chính quyền bộ mặt kinh tế - xã hội của Bằng Vân những năm gần đây đã có nhiều đổi thay tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn 8,2%, đa số các thôn vùng thấp không còn hộ nghèo. Hệ thống cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội của xã được đầu tư xây dựng kịp thời.

Hiện trạm y tế của xã đã đạt chuẩn quốc gia, phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Toàn xã có 5 trường học, trong đó có 2 phân trường; cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm cho việc dạy và học. Các chính sách dân tộc, an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được thực hiện đầy đủ và kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cải thiện cuộc sống, xây dựng bộ mặt nông thôn mới ngày càng tiến bộ. Thời gian tới cấp ủy, chính quyền xã xác định tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương, khai thác tốt quỹ đất theo quy hoạch để tạo ra vùng sản xuất thâm canh có năng suất, chất lượng cao; tiếp tục nhân rộng mô hình 70 triệu đồng/ha; bảo vệ và chăm sóc tốt các diện tích rừng trồng; đầu tư, tu sửa hệ thống thủy lợi và các công trình phụ trợ để phục vụ sản xuất hiệu quả./.

Đăng Bách-Văn Lạ 
 

Xem thêm