Thực hiện hiệu quả công tác tư vấn, tuyên truyền về việc làm - dạy nghề

Những năm qua, công tác tư vấn, tuyên truyền về việc làm - dạy nghề được các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh chú trọng thực hiện với nhiều hình thức phù hợp. Kết quả đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện hiệu quả công tác tư vấn, tuyên truyền về việc làm - dạy nghề ảnh 1

Các cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh do có nhiều thành tích trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2020.

Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng để tạo nên sự đồng thuận trong việc tổ chức thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã định hướng cho các cơ quan thông tin tuyên truyền trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về việc làm - dạy nghề. Nội dung tuyên truyền tập trung vào mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tác động của đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các giải pháp chủ yếu để thực hiện các chỉ tiêu về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đặc biệt là quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, nội dung, chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên dạy nghề; phổ biến chủ trương, chính sách về dạy nghề; tổ chức cho người sau khi học nghề tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi; xây dựng tin, bài chuyên đề phản ánh các hoạt động dạy nghề, tư vấn nghề và việc làm.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều tổ chức các hội nghị tập huấn về công tác tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; tập huấn kỹ năng tuyên truyền, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho người lao động, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề đến cán bộ cơ sở. Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Xây dựng chuyên mục tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm đăng tải trên cổng thông tin điện tử; in tờ rơi, in sổ tay với nội dung tuyên truyền chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn...

Cùng với đó, Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Kạn đẩy mạnh thực hiện các tin, bài phóng sự phản ánh về các hoạt động liên quan đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Các tin, bài cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thông tin phản ánh gương lao động, sản xuất giỏi, tuyên truyền về các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, các hình thức tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp với người lao động tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg tỉnh, tính riêng số lượng tin, bài tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn từ 2010 đến nay đã lên tới hàng trăm tin, bài được đăng tải trên Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Kạn. Có hơn 30.000 lượt người được tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm. Công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Thực hiện hiệu quả công tác tư vấn, tuyên truyền về việc làm - dạy nghề ảnh 2

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp để bàn giải pháp nâng cao chất lượng công tác tư vấn, tuyên truyền về việc làm - dạy nghề.

Nhìn chung, thông qua việc triển khai có hiệu quả công tác tư vấn, tuyên truyền về việc làm - dạy nghề đã khiến nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản. Phần lớn đã xác định học để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm có thu nhập cao, chuyển đổi nghề, học nghề để nắm bắt khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, có năng suất, thu nhập cao hơn góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định an sinh xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc hoạt động tuyên truyền và tư vấn tuyển sinh, học nghề, việc làm chưa có nhiều đột phá; kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền hạn chế. Cùng với đó, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, tổ chức đào tạo nhưng chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, hướng nghiệp sau đào tạo nghề để người dân được tiếp cận với các chính sách về vay vốn, thông tin thị trường sản phẩm, quy hoạch sản xuất, xuất khẩu lao động, thị trường lao động... dẫn đến hiệu quả đạt được còn nhiều hạn chế.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác tư vấn, tuyên truyền về việc làm - dạy nghề, cùng với việc thực hiện tốt chủ trương phân luồng học sinh phổ thông sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông theo Chỉ thị số 10-CT/BCT ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị; Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, có chính sách đột phá, khuyến khích hơn nữa người vào học nghề, nhất là lao động ở nông thôn, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ". Thống nhất công tác giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng tập trung một đầu mối quản lý và triển khai, tránh tình trạng chồng chéo và khó khăn thực hiện ở cơ sở.

Có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục. Tiếp tục thông tin tuyên truyền về chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, tư vấn học nghề và việc làm miễn phí đối với lao động nông thôn. Tập trung tuyên truyền các mô hình dạy nghề hiệu quả, các điển hình lao động nông thôn sau khi học nghề áp dụng hiệu quả vào phát triển sản xuất hoặc tạo việc làm. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế liên kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong tuyển sinh, xây dựng chương trình giáo trình, đào tạo, giải quyết việc làm sau đào tạo.../.

Hoàng Vũ

Xem thêm