Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Những năm qua, các cấp, ngành và các địa phương trong tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh. Trong đó, luôn dành sự quan tâm đến trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để các em được đến trường, được hòa nhập và phát triển.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong năm 2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị, địa phương tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đáng chú ý là Quyết định số 1377/QĐ-UBND ngày 30/7/2020 về việc ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025; Kế hoạch số 449/KH-UBND ngày 30/7/2020 thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em…

Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ảnh 1

 Đại diện Ban tổ chức Diễn đàn trẻ em tỉnh Bắc Kạn lần thứ VIII, năm 2020 nhận các thông điệp từ trẻ em.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức 16 được lớp tập huấn chuyển đổi hành vi, cung cấp kỹ năng bảo vệ trẻ em cho hơn 900 người tại các địa phương; 02 lớp tập huấn nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em tại huyện Pác Nặm, với sự tham gia của 109 đại biểu; 03 lớp tuyên truyền về công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho gần 300 người tại các xã: Khang Ninh (Ba Bể); Phương Viên (Chợ Đồn), Đôn Phong (Bạch Thông)… Duy trì 10 mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục trợ giúp pháp lý và các dịch vụ cơ bản cho trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại 8 huyện, thành phố. Ngoài ra, tiếp tục duy trì mô hình “Ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em” tại xã Phúc Lộc (Ba Bể) và xã Bộc Bố (Pác Nặm).

Các ngành khác căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình có nhiều hoạt động nhằm góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em. Cụ thể như: Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị, trường học tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh với 1.120 buổi cho hơn 78.000 lượt học sinh; giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được 1.240 buổi với 104.400 lượt người tham gia; tuyên truyền công tác phòng, chống ma túy, tội phạm được 654 buổi với hơn 67.700 lượt người tham gia; tuyên truyền phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh được 432 buổi với 62.190 lượt người tham gia; giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên được 312 buổi với 35.179 lượt người tham gia.

Hội LHPN tỉnh tổ chức Diễn đàn “Phòng, chống bạo lực gia đình và phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” tại xã Lương Thượng và Kim Hỷ (Na Rì), thu hút 300 người tham gia. Cung cấp 450 cuốn tài liệu về hướng dẫn họp nhóm cha mẹ chăm sóc và phát triển trẻ thơ từ 0-8 tuổi, 200 poster, 150 cuốn tài liệu về chăm sóc sức khỏe cho trẻ tại nhà…

Ngành chức năng của tỉnh phối hợp với Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Thái Nguyên tổ chức khám sàng lọc cho 247 trẻ em khuyết tật vận động và tổ chức đưa 28 trẻ em có chỉ định đi phẫu thuật. Phối hợp tổ chức khám sàng lọc cho 1.860 trường hợp nhằm phát hiện trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Tổ chức đưa trẻ em 8 bị sứt môi, hở hàm ếch đi khám và phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Trong công tác giáo dục trẻ em, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em trong trường học. Chỉ đạo giáo viên thực hiện tích hợp, lồng ghép các nội dung có sự tham gia của trẻ em vào các môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa; tích hợp việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử tích cực cho học sinh vào chương trình giáo dục nhà trường.

Nhằm thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cần tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về quyền trẻ em; bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thực hiện các quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, Luật Trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 – 2025… Đồng thời, triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về trẻ em theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh./.

Hoàng Vũ

Xem thêm